Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng, chất lượng dạy và học là mục tiêu hàng đầu

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân thông tin, năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện quy mô mạng lưới theo hướng tinh gọn, tập trung, đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa và tăng cường xã hội hóa; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và điều kiện đi lại học tập của học sinh, người dân.

Toàn ngành đã triển khai đề án hệ sinh thái giáo dục thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Nhiều sản phẩm phần mềm ứng dụng được ngành phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu phục vụ quản lý điều hành và tổ chức dạy học được Cục Công nghệ thông tin Bộ GD và ĐT đánh giá cao. Việc ứng dụng học liệu số vào xây dựng các bài giảng với các thí nghiệm ảo, mô phỏng thực hành... giúp giáo viên từng bước nâng cao chất lượng và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số của ngành.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều chương trình đề án ưu tiên trong Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy khóa XVI (cụ thể hóa Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị) được Sở GD và ĐT tập trung chỉ đạo xây dựng và phối hợp thực hiện. Đó là, Đề án xây dựng Trường THPT Chuyên Quốc Học thành điểm sáng về chất lượng giáo dục bậc THPT toàn quốc; đề án trường trọng điểm chất lượng cao Nguyễn Tri Phương; đề án hỗ trợ điều kiện và nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật...  

Phát huy tinh thần đoàn kết, thời gian tới, ngành GD&ĐT tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với tình hình phát triển giáo dục của tỉnh; xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045 phù hợp với mục tiêu Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Rà soát tham mưu ban hành các chương trình, đề án, chế độ, chính sách phát triển giáo dục theo Nghị quyết 29 và Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy; đảm bảo huy động các nguồn lực, điều kiện tốt nhất để xây dựng thành phố giáo dục.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ quản lý, hoạch định các chính sách phát triển giáo dục; phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin vào đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả giảng dạy.

Không đổi mới sẽ tụt hậu

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ ghi nhận những kết quả đạt được của ngành GD&ĐT toàn tỉnh thời gian qua. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, phát huy những kết quả đã đạt được song phải khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập hiện nay của ngành GD&ĐT.

Thời gian tới rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT cần duy trì trạng thái mới, đảm bảo an toàn trong công tác dạy và học; đổi mới giáo dục là việc làm thường xuyên, không đổi mới sẽ tụt hậu và quyết tâm để đổi mới; phải không ngừng cải tiến để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; giáo dục cũng phải hòa nhập với cuộc sống xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo TX. Hương Thủy thăm mô hình dạy học bậc mầm non trên địa bàn 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng, chất lượng dạy và học là mục tiêu hàng đầu. Muốn vậy, phải tăng cường các buổi nói chuyện, đi thực tế; quan tâm đến kỹ năng sống, nhất là kỹ năng bảo vệ mình. Giáo dục văn hóa truyền thống lịch sử, con người, văn hóa Huế là hướng phát triển, nền tảng quan trọng của Thừa Thiên Huế nhưng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tiêu chuẩn trường đạt chuẩn Quốc gia trên cơ sở thực hiện bằng 3 tiêu chí: trường học xanh, trường học thông minh và trường học hạnh phúc. Giáo viên chính là những tấm gương để các em học sinh noi theo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, cần học tập các mô hình của các trường đạt chuẩn để nhân rộng. Mỗi trường phải có một tủ sách Huế để nâng cao nhận thức, niềm tự hào về quê hương mình; tăng cường kỹ năng giao tiếp cho học sinh; hình thành và phát huy các câu lạc bộ trong trường học; tổ chức phong trào thi đua giữa các trường; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với mục tiêu giảng dạy, quản lý về giáo dục tốt nhất; cần phải thay đổi tư duy và hành động trong dạy và học; nâng cao năng lực, quan tâm chế độ luân chuyển, đào tạo đội ngũ giáo viên; tham mưu đánh giá lại các quy chế quản lý, phân cấp của ngành GD&ĐT. Các phòng GD&ĐT ở các địa phương đặc biệt quan tâm đến các em học sinh từ vùng dịch về. Những vấn đề trao đổi tại buổi làm việc cần có sự thay đổi, điều chỉnh, khắc phục để hoàn thành tốt hơn nữa công tác dạy và học trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Anh Phong