50% phương tiện đo được kiểm định, hiệu chuẩn ngoại tỉnh
Đo lường là lĩnh vực khoa học-kỹ thuật chính xác, có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế-xã hội, SXKD, nghiên cứu xã hội, an ninh-quốc phòng.
TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao đổi tại hội thảo
Tính đến năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 10 nghìn DN đang hoạt động SXKD; trong đó nhiều DN, cơ sở sản xuất sử dụng PTĐ, chuẩn đo lường phong phú về chủng loại. Trong đó, có khoảng 800 nghìn PTĐ các loai thuộc diện phải kiểm định và hàng trăm PTĐ cần hiệu chuẩn thuộc các lĩnh vực, như kinh doanh may mặc, phòng thí nghiệm xây dựng, ngành dược phẩm, cân khối lượng các loại...
Nhiều ý kiến tại hội thảo đánh giá hoạt động đo lường ở địa phương còn hạn chế, nhất là năng lực kiểm định, hiệu chuẩn PTĐ của tổ chức kiểm định trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức của DN liên quan đến hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn PTĐ trong SXKD chưa cao, nhất là lĩnh vực vận tải hành khách bằng taxi, khai thác gỗ, y tế...
Ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết, hiện nay ở Thừa Thiên Huế chưa có tổ chức, đơn vị đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực kiểm định hiệu chuẩn đo lường, phục vụ hoạt động SXKD của DN, ngoại trừ Trung tâm Đo lường, thử nghiệm và Thông tin khoa học (Sở KHCN). Đây là hạn chế và rào cản dẫn đến có trên 50% PTĐ thuộc lĩnh vực kinh doanh vận tải, sản xuất vật liệu, y tế, bia, thực phẩm đông lạnh được kiểm định, hiệu chuẩn tại các tổ chức ngoài tỉnh.
Đổi mới công tác đo lường
Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phát triển cơ sở hạ tầng đo lường (yếu tố nằm trong nhóm quan trọng), nhiều ý kiến tại hội thảo đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả trong lĩnh vực đo lường ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Trong đó, cần huy động các nguồn lực, bao gồm cả xã hội hóa phát triển để đáp ứng nhu cầu của DN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay.
TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN chia sẻ, hội thảo này là diễn đàn để ngành quản lý địa phương nắm bắt, thẩm định sàng lọc, đề giải pháp tối ưu tháo gỡ khó khăn hạn chế cho lĩnh vực đo lường địa phương. Rất nhiều giải pháp và công việc cần làm, nhưng trước mắt, ngành tiếp tục rà soát cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ DN; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ tương thích đáp ứng yêu cầu hội nhập; chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo lường. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mạnh mẽ trong các hoạt động quản lý...
Bài, ảnh: Minh Văn