Đề xuất nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Hội nghị là dịp để chính quyền tỉnh lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn các doanh nghiệp (DN) đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Từ đó, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương tìm phương án tháo gỡ khó khăn, xây dựng cộng đồng DN Thừa Thiên Huế phát triển vững mạnh. Trên cơ sở đó xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế - xã hội (KT- XH) trong trạng thái mới và thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tạo điều kiện hỗ trợ phục vụ, phát triển doanh nghiệp”.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động 

Tại hội nghị, các chuyên gia, cộng đồng DN và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cho rằng, muốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt phải xác định sống chung với COVID-19. Muốn sống chung an toàn phải đạt miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm vắc xin. Một số ý kiến cũng nhấn mạnh, tỉnh phải triển khai ngay các chính sách phục hồi kinh tế, trong đó có chính sách hỗ trợ DN.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tỉnh Dương Tuấn Anh đề nghị tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc và ảnh hưởng do dịch COVID-19. Quan tâm hỗ trợ, hạn chế việc cách ly, phạm vi cách ly đối với các DN có lao động được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch tốt; thống nhất các biện pháp phòng chống dịch giữa các địa phương của tỉnh. Tiêm phủ vắc xin cho người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động trong ngành du lịch - dịch vụ để đảm bảo thực hiện cơ chế “hộ chiếu vắc-xin”, “thẻ xanh” thời gian tới.

Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế đề xuất các nhóm giải pháp hỗ trợ DN trong điều kiện “Bình thường mới”: Nhóm giải pháp về chiến lược phát triển, cơ cấu lại lĩnh vực ngành nghề; nhóm giải pháp chính sách hỗ trợ về pháp lý, tài chính; nhóm giải pháp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho DN; phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm. Trong đó, nhấn mạnh ngành kinh tế sáng tạo thông qua công nghiệp sáng tạo truyền thông số, kinh tế số; nông nghiệp bền vững, công nghiệp xanh và công nghệ cao; đầu tư thu hút lĩnh vực công nghệ thông tin thông qua đột phá là nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số và truyền thông chuẩn bị cho chuyển đổi số.   

Một số ý kiến đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ, giảm lãi vay vốn ngân hàng cho DN, hộ kinh doanh. Đồng thời cho biết, DN rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ Qũy Bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ, đề nghị tỉnh tạo thuận lợi hơn cho DN trong việc huy động nguồn vốn của Quỹ. Ngoài ra, tiếp tục giãn- hoàn thuế, giảm phí, lệ phí và gia hạn, miễn tiền thuế đất; tăng thời gian gia hạn thuế đến 30/6/2022; giảm thuế GTGT các ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng; có chính sách hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; triển khai các gói kích cầu du lịch…

Đồng hành và thực hiện các giải pháp cao nhất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN hoạt động.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát hoàn toàn. Khẳng định chính quyền tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động. Tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn của cộng đồng DN, đóng góp thiết thực, hiệu quả về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển KT- XH của tỉnh.

Chính quyền tỉnh thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN, doanh nhân đang đối mặt. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ động, kịp thời hỗ trợ DN thông qua các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện… “Chính quyền sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất để hỗ trợ DN, người lao động; thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới; trước mắt, triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch - đầu tư khẩn trương xây dựng; công bố kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế/hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương. Triển khai nhanh nhất các gói hỗ trợ cho DN, đối tượng bị ảnh hưởng. Khẩn trương rà soát các chính sách, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh. Cùng với DN, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phù hợp với dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN; công nhân, người lao động trong các DN, doanh nhân được ưu tiên tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc “giữ chân” người lao động, chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bài, ảnh: Thái Bình