Trong khoảnh khắc đất trời cựa mình, sớm mai thức dậy, thấy khung trời của một ngày mới trắng xóa màu sương. Dường như khúc giao mùa đỏng đảnh cuối thu đã giấu đi những hạt nắng vàng. Gió bấc về không những làm trẻ con, người già ho khục khặc, mà người lớn cũng cảm cúm liên miên. Nghe giọng con gái nghẹt mũi chẳng thể nào thở nổi qua điện thoại, mẹ sốt ruột nhắc “đốt bồ kết mà xông, rồi sẽ thoải mái hít thở”.

Lục tìm túi bồ kết mẹ gửi từ năm trước khi ở cữ, chợt thấy mình vô tâm khi để nhịp sống tất tả thường ngày cuốn đi mải miết. Những trái bồ kết khô queo chạm vào tay rồi rơi tuột xuống như reo vui. Thả vào đĩa than đỏ rực, chúng cong mình nổ lẹt đẹt. Mùi hương tỏa ra rất đỗi quen thuộc, hương thơm như đang ghé thăm tất cả các giác quan và nương náu trong trí nhớ, dẫn tôi quay trở về một vùng ký ức…

Ngày đó đám trẻ chúng tôi đang độ dở tóc nên nhiều trứng chấy. Dầu gội đầu ở vùng nông thôn là mặt hàng xa xỉ, muốn mua cũng khó. Tôi lớn lên, chỉ thấy các bà, các mẹ gội đầu bằng bồ kết, đun kèm theo các loài thảo mộc khác như lá chanh, vỏ bưởi, hương nhu, đinh lăng, sả… Những giỏ bồ kết khô cứ vơi rồi lại đầy, ngự trên giàn bếp quanh năm. Nhà tôi có tận 3 cô con gái, nên cứ cách vài ngày mẹ lại nướng và đun một nồi nước bồ kết to cho chúng tôi gội đầu một lượt.

Gội đầu bằng bồ kết cũng phải có “chiêu” để tóc không bết rối. Kinh nghiệm được mẹ tôi đúc kết, là lúc nướng phải canh lửa, khi màu đen của quả bồ kết có thêm sắc vàng và dậy lên mùi đặc trưng là phải lấy ra liền, khi bẻ đun (hoặc vò) bồ kết phải lọc bỏ hạt đi. Có thể thả bồ kết đã nướng vào nồi nước đang sôi bùng trên bếp, hoặc có thể bỏ chúng vào mảnh vải màn, buộc túm lại thả vào chậu rồi đổ nước sôi ngâm một lúc. Tiếp đó pha thêm nước lạnh cho vừa độ ấm rồi vò. Mùi bồ kết sực lên ngan ngát, chậu nước đậm một màu nâu cánh gián sóng sánh; nếu có thêm vỏ bưởi, sả, hương nhu… hòa quyện nữa, thì tha hồ quyến rũ. Chị em tôi đứa nào cũng muốn gội thật lâu, mong hương thơm sẽ ngấm thật sâu, thật nhiều vào da vào tóc. Thích nhất cái cảm giác ngồi trước hè hong tóc dưới cái nắng đỏng đảnh giữa trưa mùa đông, cảm nhận suối tóc mềm mượt, mùi hương mê đắm khiến tâm trí nhẹ nhõm, mải mê quên cả thời gian.

Nhà tôi cứ mỗi bận gội đầu thì không khí trở nên rộn ràng, náo nức. Chúng tôi hít hà hương thơm trên tóc nhau, chí chóe tranh cãi, đứa nào cũng nhận định rằng tóc mình thơm nhất. Khi ấy, tôi không ngửi được mùi tóc của mình vì chúng ngắn cũn. Tôi thích thú ngắm nhìn những suối tóc dài của mẹ, của chị ngày một đen bóng, chắc khỏe, mỗi lần bung xỏa chải chuốt thì cách xa mấy mét cũng ngửi thấy hương bồ kết thoang thoảng. Lúc đó tôi đã nghĩ, sau này lớn lên, tôi cũng sẽ nuôi tóc thật dài, sẽ ủ chúng trong mùi hương đồng nội ngan ngát, ngọt ngào đến nao lòng ấy.

Nhưng rồi, cuộc sống thời đại công nghiệp hóa, công việc bận rộn, tôi quẩn quanh trong bao mối lo toan nên đành chọn kiểu tóc ngắn cho dễ gội, dễ chăm sóc. Mong ước về một mái tóc thề ngát hương khi xưa chẳng thể thực hiện. Bây giờ tìm nơi phố phường những trái bồ kết cũng chẳng dễ, thời gian để đun nấu, chắt lọc ra thứ nước ấy trong nhịp sống quay cuồng lại càng khó hơn. Ở quê, mẹ tôi vẫn mua bồ kết cất trong giỏ, nhưng cũng ngại cặm cụi vì ngày ngày tất bật chăm nom con cháu. Mẹ bảo, mỗi khi nhớ mùi bồ kết, mẹ lại đốt lên xông nhà, dễ chịu và sảng khoái lắm.

Nghĩ đến hương thơm ngày cũ, tôi không chần chừ đun ngay một nồi nước bồ kết. Chồng tôi vừa về tới cửa đã reo lên “nhà mình thơm quá”. Lần đầu tiên anh đòi gội đầu cho vợ, nâng niu mái tóc như báu vật. Còn tôi, mãn nguyện tận hưởng mùi hương ngọt ngào thân thuộc, lòng mơ về bên thềm giếng rêu phong một thuở, nghe bình yên ríu rít quanh mình.

Mai Đình