Tổng nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (fintech) ở ASEAN đạt mức kỷ lục 3,5 tỷ USD trong năm 2021. Ảnh: Tinnhanhchungkhoan

Với tiêu đề “FinTech in ASEAN 2021”, báo cáo cho thấy đã có 167 thương vụ đầu tư trong 13 vòng gọi vốn lớn (mega-round - vòng gọi vốn từ 100 triệu USD trở lên), đạt giá trị 2 tỷ USD, chiếm 57,1% tổng vốn tài trợ.

“Sự hồi sinh của các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp fintech của ASEAN khiến ​​nguồn tài trợ tăng cao, vượt ngưỡng 3,5 tỷ USD trong năm nay. Sự phục hồi mạnh mẽ này mang đến cơ hội để xây dựng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa các ngân hàng dẫn đầu, các công ty fintech và những người tham gia vào nền tảng hệ sinh thái này. Sự mở rộng trên cả khu vực sẽ vẫn là công cụ thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của các công ty fintech ở ASEAN”, bà Janet Young, Giám đốc Tập đoàn Bộ phận các Kênh và Số hóa của UOB cho biết.

Các công ty fintech giai đoạn cuối (tức các startups đã có sự phát triển nhanh chóng cả về doanh thu, thị trường… đã vào đến vào gọi vốn Series C và sau đó) thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nhất, cho thấy một cách tiếp cận thận trọng hơn và hạn chế rủi ro của các nhà đầu tư khi tập trung hỗ trợ các “công ty trưởng thành” – những công ty được đánh giá có cơ hội cao hơn để trỗi dậy mạnh mẽ hơn hậu COVID-19.

Lĩnh vực thanh toán thu hút được nguồn tiền tài trợ cao nhất khi việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số tăng đột biến trong khu vực, khiến các nhà đầu tư đặt niềm tin nhiều hơn vào phân khúc này. Có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 244%, lĩnh vực này đã phát triển lên đến 1,9 tỷ USD trong năm 2021, từ mức 562 triệu USD của năm 2020.

Xét về mức tăng đột biến CAGR trong năm 2021, công nghệ đầu tư dẫn đầu, ghi nhận mức tăng 493% lên 457 triệu USD, từ mức 77 triệu USD của một năm trước đó. Tiền điện tử đứng thứ hai với 356 triệu USD, tăng 424% từ mức 68 triệu USD trước đó.

“Với việc thanh toán kỹ thuật số đang trở thành tiêu chuẩn và các lĩnh vực như tài sản kỹ thuật số và tài sản tiền điện tử nhanh chóng nhận được sự quan tâm, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng người tiêu dùng ở ASEAN đã chấp nhận một loạt các giải pháp fintech cùng với các trải nghiệm kỹ thuật số, và họ đã sẵn sàng để tiếp nhận tương lai kỹ thuật số”, ông Wanyi Wong của PwC Singapore nhận xét.

Singapore, trung tâm tài chính của Đông Nam Á, chiếm gần một nửa tổng vốn tài trợ với các thương vụ trị giá 972 triệu USD trên tổng 1,6 tỷ USD của cả khu vực. Hoạt động tích cực nhất tiếp theo là Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong khu vực, với chiếm 26% tổng vốn huy động được. Xếp ở vị trí thứ 3 là Việt Nam với 375 triệu USD được tài trợ, chiếm 11% trên tổng nguồn tài trợ của cả khu vực.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Business Times)