Làm gì để kéo 1,3 triệu lao động trở lại làm việc là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 10 và sáng 11/11 tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Không chỉ bùng phát trên phạm vi rộng, tốc độ lây lan nhanh, số lượng người nhiễm và tử vong cao, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra từ cuối tháng 4/2021 còn tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, nhất là vấn đề lao động, việc làm. Điều thấy rõ nhất là dòng người từ các tỉnh phía nam chạy xe máy vượt hàng nghìn km về quê tránh dịch, nhiều nhất là các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Việc dịch chuyển lao động từ vùng ít phát triển đến nơi phát triển hơn là chuyện bình, theo quy luật điều tiết của thị trường. Lực lượng lao động Thừa Thiên Huế vào các tỉnh miền Nam lập nghiệp khá đa dạng về trình độ, lứa tuổi. Rất nhiều bạn trẻ xác định chọn Sài Gòn lập nghiệp ngay từ khi chọn theo học các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, dù Huế cũng có những ngành tương tự. Huế cũng là cái nôi đào tạo, nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học chọn con đường Nam tiến để tìm việc làm, bởi sự hấp dẫn, môi trường làm việc năng động, thu nhập cao, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, đối tượng lao động này ít có trường hợp phải về quê trốn dịch nhờ tạo lập được cuộc ổn định.

 Một lực lượng lao động đông đảo khác là những người trẻ chưa được đào tạo hoặc đào tạo ở trình độ thấp quyết định “ly nông, ly hương” vào làm việc trong các nhà máy, cơ sở sản xuất, dịch vụ, nghề tự do. Đây là lực lượng dễ bị tổn thương nhất khi có biến động, bởi thu nhập không cao, công việc thiếu ổn định; nơi ăn chốn ở khó khăn. Khi xảy ra dịch bệnh, bị phong tỏa, không có việc làm, không còn thu nhập thì con đường về quê là sự lựa chọn số một.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đợt dịch vừa qua cả tỉnh có trên 25 nghìn lao động từ các tỉnh trở về quê tránh dịch và có hơn 9 nghìn người có nhu cầu tìm việc làm trong các nhà máy. Con số thống kê này có thể sẽ biến động. Sự biến động không chỉ đến từ số người về/đi khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, mà còn phụ thuộc vào diễn biến tâm lý của người lao động, “sức hút” của các doanh nghiệp ngay tại địa phương. Thực tế, nhiều lao động đã tìm được việc làm ổn định ngay tại các địa phương, khi nhiều doanh nghiệp đón cơ hội mở rộng đầu tư về các địa phương.

Thiếu lao động hiện đang là vấn đề nan giải với các doanh nghiệp ở các tỉnh trọng điểm kinh tế phía nam sau khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Để thu hút người lao động trở lại, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các đoàn xe đón lao động từ các tỉnh trở lại nhà máy, hỗ trợ tiền nhà trọ, ưu đãi tiền lương, phụ cấp… nhưng vẫn chưa giải quyết được bài toán thiếu lao động.

Để không lặp lại tình trạng thiếu lao động cục bộ như hiện nay, ngoài những giải pháp trước mắt nhằm kéo lao động trở lại nhà máy của từng doanh nghiệp, từng địa phương, cần có sự điều chỉnh ở tầm vĩ mô. Đó là việc quy hoạch vùng, tạo thêm cực tăng trưởng ở các vùng miền, gắn với các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đầu tư hạ tầng tạo động lực phát triển cho các địa phương xung quanh. Qua đó, giải quyết bài toán việc làm, giảm bớt tình trạng ly hương của người lao động. Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai lồng ghép các chính sách giảm nghèo, cho vay giải quyết việc làm để người lao động có thể ổn định, tạo việc làm ngay tại địa phương. Đối với những vùng phát triển, thu hút nhiều lao động, cần quan tâm các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Chỉ khi vừa “an cư” vừa “lạc nghiệp”, người lao động mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với quê hương thứ hai của mình.

Hoàng Minh