Giới trẻ vẫn đi các quán cafe “hot” bất chấp dịch bệnh

Thực tế buồn

Tối thứ bảy (30/10) vừa qua, tại số 1 Điện Biên Phủ (Huế) diễn ra sự kiện mang tên “Huis Halloween”. Đây là một hoạt động nhằm gây quỹ cộng đồng do Khoa Quốc tế (Đại học Huế) tổ chức. Ban tổ chức rất cẩn trọng khi tổ chức sự kiện trong giai đoạn cả nước đang phòng, chống dịch bệnh. Đó là sự cố gắng để đảm bảo tất cả người tham gia tuân thủ “Quy tắc 5K”, đeo khẩu trang, sát trùng tay, đo thân nhiệt và quét mã QR.

Dù vậy, vào cuối sự kiện khi các bạn sinh viên “vui hết mình” vẫn xảy hình ảnh phản cảm, không tuân thủ nguyên tắc 5K, khi các bạn trẻ cùng nhau nhảy múa… khiến một số thành viên trong cuộc cảm thấy lo sợ. Cùng thời điểm, tại một số quán cà phê trên địa bàn thành phố cũng diễn ra những hoạt động tập trung đông người với hình thức là “đêm nhạc” khi mời những nhóm nhạc đến hát và giao lưu với khách tại quán.

Bạn A.H, nhân viên ca tối của một quán cà phê nằm giữa trung tâm thành phố, cho biết: “Quán có không gian nhỏ nhưng lượng khách rất đông, khoảng cách 2m giữa các bàn hoàn toàn không có. Thậm chí đôi lúc 30cm lối đi cho nhân viên cũng không còn, nhân viên bọn mình phải chen chân với khách để phục vụ”. Cũng bạn A.H cho biết, trước đây quán vẫn để mã QR, khẩu trang và nước rửa tay trước cửa , thế nhưng từ ngày 28/10 đến nay thì không thấy đâu nữa.

Không chỉ trong đêm Halloween, gần đây, một loạt các quán ăn, quán cà phê tại Huế nói riêng và các thị xã, thị trấn trong tỉnh nói chung… đã không còn “nhiệt tình để ý” tới việc phải giãn cách tối thiểu 2 mét giữa các bàn, phục vụ không quá 50% công suất… Vấn đề này xuất hiện không chỉ ở các địa điểm “hot” của giới trẻ mà cả những quán cà phê lâu năm, cà phê cóc.

Âu lo không chỉ riêng ai

Từ đầu đợt dịch, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương khống chế dịch bệnh khá tốt so với mặt bằng chung của quốc gia. Để bảo vệ thành quả này, chúng ta mất đi không ít cơ hội phát triển kinh tế, du lịch và đời sống của người dân ít nhiều chịu ảnh hưởng. Thay vào đó, cả tỉnh đã có được một môi trường sống tương đối an toàn so với các tỉnh, thành khác.

Gần đây, sau một thời gian siết chặt, các điều kiện chống dịch được nới lỏng. Một số hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức, dễ dàng thu hút được số đông thanh, thiếu niên và cả giới trung niên mà nhiều người quên mất đi sự nguy hiểm của của dịch bệnh. Các buổi biểu diễn tự tổ chức như hiện nay, liệu có đáp ứng đầy đủ tiểu chuẩn phòng dịch khi chỉ với 1- 2 chiếc micro trong một đêm diễn nhưng có rất nhiều người sử dụng? Trong giao lưu, việc bỏ khẩu trang khá phổ biến, riêng khoảng cách 2 mét, không gian an toàn… hoàn toàn bị phá vỡ…

Sau “quá căng” là “quá chùng”

 Đặt câu hỏi về vấn đề tổ chức sự kiện trong mùa dịch, nhiều chủ quán vô tư nói rằng: “Mình đã in mã QR, đồng thời yêu cầu mọi người đến quán phải tuân thủ 5K rồi. Nhưng, vui chơi một lát mọi người lại quên mất”. Còn đến khi được hỏi về việc chưa được tổ chức hoạt động biểu diễn văn nghệ thì “không để ý, là show nhỏ chắc không sao đâu”.

Vẫn có một số chủ doanh nghiệp có tâm, ngoài bảo đảm 5K cho quán còn nhắc nhở khách quét mã QR, sử dụng nước rửa tay, không ngồi nhóm đông người… Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ quán cà phê Olab Farm cho biết: “Hướng tới lợi nhuận, nhưng mình quan tâm việc bảo vệ an toàn chung cho cộng đồng. Vừa rồi có người đến liên hệ tổ chức sự kiện nhưng lượng người khá đông nên đành từ chối. Tiếc là, người như anh Tuấn vẫn chưa nhiều, điều này thể hiện qua việc nhiều nơi vẫn tưng bừng tổ chức các sự kiện… không quan tâm 5K.

Trước dịch bệnh mọi người, nhất là giới trẻ, cần có sự lựa chọn thông minh. Các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, khoa học hiện có xu hướng tổ chức online. Qua các kênh, như Zoom, Google Meet, Microsoft Terms,… nhiều hoạt động đã được tổ chức thành công. Bằng công nghệ, có thể trò chuyện video, các ứng dụng đặt hàng online cũng đã trở nên quen thuộc... Vậy, thay vì một chút cảm giác ham vui, chúng ta nên ở nhà nếu không có việc cần thiết, đó là để cùng chung tay với tuyến đầu chống dịch.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu