Người dân Huế tập luyện chuẩn bị trình diễn tại chương trình áo dài cộng đồng

Kết hợp áo dài với điện ảnh

Trong sự kiện văn hóa quy tụ các đại diện của bộ môn nghệ thuật thứ bảy đến từ 3 miền, tinh thần chung của đêm hội “Áo dài và điện ảnh” sẽ mang dấu ấn của các nhà thiết kế ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đó là câu chuyện sinh động về lịch sử hình thành, phát triển và nét đặc trưng của chiếc áo dài Huế, áo dài Việt, từng một thời là quốc phục của dân tộc, cùng những nỗ lực của thế hệ tiếp nối trong công cuộc phục hưng áo dài, để giấc mơ “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” sớm trở thành hiện thực.

Diễn ra tối 18/11 tại Học viện Âm nhạc Huế, trên sân khấu được trang trí gần gũi, tự nhiên với nón lá, hoa sen và diều Huế, vẻ đẹp áo dài sẽ được tôn vinh và lan tỏa. Các bộ sưu tập áo dài ngũ thân; áo dài truyền thống; áo dài tân thời… được lồng ghép tinh thần điện ảnh và văn hóa bản địa cùng những tiết mục biểu diễn nghệ thuật sẽ giới thiệu đến khách mời bữa tiệc văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô.

Bộ sưu tập “Lịch sử áo dài Việt Nam qua các thời kỳ” của NTK Huỳnh Lê Bảo Ngọc khắc họa tiến trình lịch sử hình thành nên chiếc áo dài Việt Nam qua các giai đoạn, từ áo năm thân nhà Nguyễn, áo dài Lemur - Cát Tường, áo dài Raglan đến áo dài chít eo, áo dài thời trang… để thấy rằng qua bao thế hệ, áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tôn được vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của người Việt.

Nhà thiết kế Quang Hòa khẩn trương hoàn thành bộ sưu tập áo dài ngũ thân

Nếu áo dài nữ luôn thăng hoa trong sáng tạo thì áo dài nam giới cũng được chú trọng trong bộ sưu tập “Áo dài ngũ thân” của NTK Quang Hòa. Lấy cảm hứng từ áo dài ngũ thân nam, trang phục được khai sáng từ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng, các mẫu thiết kế thể hiện tinh thần tự tôn yêu nước ngày xưa, nay được thế hệ sau kế thừa và nỗ lực đưa vào đời sống qua những kiểu trang trí mới nhưng vẫn bảo lưu kiểu dáng, kỹ thuật cắt may cũ.

Điểm nhấn của chương trình có thể kể đến bộ sưu tập “Áo dài và điện ảnh” của họa sĩ Võ Quang Phát được lấy cảm hứng từ poster của 27 bộ phim tham dự liên hoan phim. Các poster được vẽ và nhuộm lên áo dài là sự kết hợp để tôn vinh các tác phẩm điện ảnh, ghi nhận thành quả lao động của các đoàn phim. Cũng lấy cảm hứng từ điện ảnh, NTK Trần Thiện Khánh trình làng bộ sưu tập “Hoa bạch trà” với những mẫu thiết kế thể hiện vẻ đẹp của di sản Huế là bối cảnh trong các bộ phim: “Ngọn nến hoàng cung”, “Đông Dương”, “Gái già lắm chiêu”, các MV ca nhạc…

NTK Viết Bảo, đạo diễn chương trình chia sẻ: “Trong khuôn khổ hoạt động của LHP lần này, trình diễn áo dài là điểm nhấn để chúng tôi giới thiệu đến các nhà làm phim, diễn viên điện ảnh và công chúng vẻ đẹp của áo dài Huế, áo dài Việt. Chương trình cũng thể hiện sự tương tác, kết hợp độc đáo giữa áo dài và điện ảnh để ghi nhận công lao đóng góp của các đoàn phim trong việc quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương. Đây còn là cơ hội để các nhà thiết kế quảng bá bộ sưu tập mới và thương hiệu đến công chúng.

Người Huế trình diễn áo dài

Ngoài chương trình “Áo dài và điện ảnh”, vẻ đẹp tà áo dài tiếp tục được tôn vinh trong hoạt động cộng đồng “Người dân Huế và áo dài”. Gần 150 nam nữ người Huế sẽ “khoe” vẻ đẹp của chiếc áo dài tại lối đi bộ cầu Trường Tiền và cầu gỗ lim, bán nguyệt cùng chương trình đồng diễn Flashmod tại sân bia Quốc Học trong trang phục áo dài.

Những ngày này, các nhóm người mẫu chuyên và không chuyên của Huế miệt mài tập luyện cho chương trình áo dài cộng đồng tại sân khấu quảng trường Bia Quốc Học, cầu đi bộ gỗ lim... Họ là hạt nhân quảng bá vẻ đẹp áo dài tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII. Chị Hoàng Thị Hà bộc bạch: “Chúng tôi rất vinh hạnh khi được tham gia trình diễn trong chương trình áo dài cộng đồng tại liên hoan phim. Đây là cơ hội hiếm có để góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Huế qua tà áo dài dịu dàng, thướt tha cũng như giới thiệu hình ảnh con người Huế mến khách và thân thiện”.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thành viên Ban Chỉ đạo LHP cho biết, một trong những điểm mới của LHP Việt Nam lần thứ XXII là xác định lại các giá trị truyền thống và tôn vinh áo dài. Vì vậy, ban tổ chức rất quan tâm đến việc làm nổi bật “điểm mới” này, bởi đây cũng là cơ hội tốt để địa phương quảng bá thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” mà chúng tôi đang nỗ lực triển khai.

Để quảng bá và tôn vinh áo dài trong dịp này, Sở Văn hóa và Thể Thao sẽ phát động tuần lễ “Người Huế mặc áo dài” từ ngày diễn ra LHP đến ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (dự kiến từ ngày 17 đến 23/11), khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở TP. Huế mặc áo dài để tham gia các sự kiện và đi làm, như cán bộ công sở, tiểu thương các chợ, giáo viên và cán bộ ngành giáo dục, ngành văn hóa thể thao, du lịch, di tích…

“Để tăng hiệu ứng quảng bá về áo dài Huế, các thành viên của ban chỉ đạo, ban tổ chức, ban giám khảo sẽ mặc áo dài khi tham gia các sự kiện cũng như vận động các diễn viên điện ảnh mặc áo dài trong đêm trao giải để tạo hình ảnh đẹp. Hy vọng cùng với các hiệu ứng tích cực từ LHP Việt Nam lần thứ XXII, áo dài Huế - áo dài Việt Nam lại càng lan tỏa mạnh mẽ”, ông Hải bày tỏ mong muốn.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN