“Cho đến một ngày, người ta thôi nhìn sâu vào mắt nhau mà chăm chăm ngó màn hình điện thoại, cười cười…”. Trương Thu Sương viết. Cô làm tôi bật cười khi post luôn hình mình đang...cười cười và chăm chú nhìn vào điện thoại. Sương làm tôi nhớ nỗi thất vọng của mình khi mấy lần được hẹn ra quán cà phê, nhưng bạn thì ai cũng chăm chú vào màn hình bé xíu. Sương làm tôi nhớ mình đã từng nặng lời với con gái khi chỉ chú mục vào điện thoại, dù lâu lắm cả nhà mới lại có dịp ngồi lại cùng nhau trong một không gian dễ thương nho nhỏ.

Thực ra thì những trải nghiệm không mấy dễ chịu đó, đã bắt đầu từ chính bản thân tôi nữa. Có những ngày, tôi đã lang thang trên mạng hết giờ này sang giờ khác. Hết đọc báo, xem phim lại lướt facebook. Tôi cũng đã từng sa đà trong các tường facebook hết người này đến người kia… cho dù không để nhấn nút thích hay không thích, để bình luận hay không bình luận. Thú thật thì tôi cũng đã có những lần nhận ra sự trống rỗng khi gặp mãi một gương mặt ở nhiều dáng vẻ trên tường facebook hay trong nhật ký zalo. Thấy rất nhiều hoa, cảnh, cập nhật tình hình con cái, gia đình, hàng xóm, tâm trạng…

Kể từ những háo hức ban đầu khi tự mình, mỗi người có thể đưa rất nhiều thứ lên các nền tảng mạng xã hội bằng hình ảnh, bằng câu chữ cho đến bây giờ đã có rất nhiều thay đổi. Đó cũng là khi người ta nhận ra sự phụ thuộc, sự chi phối của mạng xã hội vào cuộc sống của chính mình. Đấy là chưa kể những điều không mấy dễ chịu, thậm chí là những hình ảnh, từ ngữ dễ gây sát thương dù chưa được kiểm chứng. Là khi nhận ra những thói quen và hành vi của chính mình đã được/bị một bên thứ ba nào đó dẫn dắt. Là khi mạng xã hội đã từ không gian chung chi phối cả những suy nghĩ, nhận định và cảm quan về những sự vật, hiện tượng cho dù chúng ta không hề mong muốn. Đó là điều đang xảy ra nếu chúng ta dành quá nhiều thời gian trên các nền tảng mạng xã hội.

Bao lâu rồi chúng ta chưa đọc một cuốn sách hay trang báo nào đó? Bao lâu rồi chúng ta không xếp mọi thứ lại và xem một bộ phim thú vị cùng nhau ở nhà, hay ở rạp chiếu? Chúng ta đã bao lần để điện thoại, laptop sang một bên để ra ngoài cùng con cái, bạn bè? Có bao nhiêu bữa cơm mà không ai cùng “ăn” với màn hình điện thoại? Đã bao lâu chúng ta không dã ngoại cùng bạn bè ở một nơi không bị chi phối bởi 3G, 4G hay wifi? Đã khi nào bạn tự hỏi mình điều này?

Nhưng thế giới đang thay đổi, không chỉ vì Mark Zuckerberg vẫn giữ ứng dụng facebook nhưng hướng đến một siêu vũ trụ số với việc đổi tên Công ty Facebook thành Meta (gọi tắt của metaverse).

Một trào lưu thanh lọc mạng xã hội (Digital Detox) đang được hình thành, không chỉ ở những người trẻ mà với bất cứ những ai đã và đang nhận ra mình bị chi phối bởi nó. Việc cai nghiện một thói quen, chắc chắn là không dễ dàng khi nó đã cắm rễ vào mỗi cá thể, nhưng nhận ra để thay đổi, là xu hướng đang được hình thành và lựa chọn. Ít nhất là những người tham gia thanh lọc sẽ thanh lọc được cho mình những vitamin dinh dưỡng healthy (khỏe mạnh), tích cực và biết cuộc sống còn nhiều điều đáng yêu chứ không chỉ chăm chú vào mạng xã hội để xem ai, ở đâu, hot hit hay drama nào.

Những người trẻ ở Trung Đông – nơi mà dân số trẻ thuộc nhóm sử dụng mạng xã hội nhiều nhất trên thế giới đã bắt đầu điều này. Chúng ta nữa, tại sao lại không tham gia vào cuộc thanh lọc có ích này và thôi lúc nào cũng ngó vào màn hình và... cười cười?

KHANG NHIÊN