Được Nhà xuất bản Thuận Hóa biên tập, cấp phép ấn hành giữa tháng 10 năm 2021, đây là cuốn sách thật sự lý thú và có ý nghĩa thực tiễn trong việc góp phần giáo dục thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên yêu thích hơn thể loại văn học dân gian, đặc biệt trong đó hình tượng Bác Hồ được khắc họa, gửi gắm bằng những tình cảm hết sức trong sáng, đẹp đẽ.

Hình tượng Bác trong tái tim Nhân dân  

Hình tượng Bác Hồ từ lâu đã trở thành đề tài, cảm hứng sáng tạo lớn đối với văn học-nghệ thuật và có sức lan tỏa trong đời sống văn hóa cộng đồng. Trong đó, thơ ca dân gian ca ngợi công lao trời biển của Bác đối với dân, với nước đã trở nên quen thuộc, có sức lan tỏa và cảm hóa. 

Suốt nhiều thập niên qua, người dân Bình Trị Thiên luôn dành những tình cảm đặc biệt để ca ngợi công ơn trời biển của Bác Hồ thông qua các thể loại ca dao, dân ca, hò vè vần điệu mang tính nghệ thuật và trữ tình sâu sắc, có sức lay động lòng người, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi vùng đất mang nhiều dấu ấn kỷ niệm thời tuổi trẻ của Bác.

Như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng nhận xét: “Bình Trị Thiên, vùng đất hẹp miền Trung kéo dài từ đèo Ngang đến Hải Vân trải qua bao gian khổ, khó khăn bởi thiên tai bão lũ, bởi khói lửa chiến tranh. Dù vậy, lòng dân miền quê này vẫn luôn hướng về cách mạng, về Bác Hồ kính yêu... Nhân dân Bình Trị Thiên luôn biết ơn và kính yêu Bác Hồ vô hạn. Tình cảm chân thành và thắm thiết ấy một phần được thể hiện, được phản ánh qua các vần thơ ca dân gian mộc mạc mà đằm thắm, thiết tha”.

Qua cuốn Sách “Hình tượng Bác Hồ trong thơ ca dân gian Bình Trị Thiên” tác giả đã dành nhiều tâm huyết tuyển chọn, biên soạn dựa trên nhiều công trình, tác phẩm của nhiều tác giả, nhà nghiên cứu sưu tập và xuất bản trước đó. Đặc biệt, tác giả đã sưu tầm bổ sung, đưa vào sách nhiều câu, đoạn, bài thơ ca, tục ngữ, hò vè của các dân tộc thiểu số miền Tây Bình Trị Thiên, nhằm làm phong phú thêm mảng đề tài này. Qua đó, làm nổi bật hình tượng cao đẹp, trong sáng về Bác Hồ kính yêu.

Nguồn tư liệu quý

Phần một của cuốn sách, hình tượng Bác Hồ trong thơ ca dân gian Bình Trị Thiên được đi sâu phân tích, diễn đạt, làm bật lên mối quan hệ gắn bó giữa Bác Hồ với vùng đất Bình Trị Thiên và tình cảm sâu nặng của Nhân dân Bình Thị Thiên với Bác Hồ.

Với lòng biết ơn và tình cảm dạt dào yêu thương của người dân đối với Bác, thơ ca dân gian Bình Trị Thiên đã tạc nên và làm nổi bật hình tượng của Người với một tình cảm thiết tha, kính trọng.

Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Bác, người dân Bình Trị Thiên luôn nêu cao tinh thần bất khuất, bất chấp gian khổ, khó khăn trong cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước: “Cho dù tát cạn bể Đông/Cho dù đếm được chim muông trên rừng/Cho dù san phẳng Trường Sơn/Bác ơi cháu chỉ sắt son một lòng/Đấu tranh thống nhất non sông/Giấc ngàn thu thỏa ước mong Bác Hồ”.

Qua thơ ca hò vè, người dân Bình Trị Thiên bày tỏ lòng kính yêu với vị cha già dân tộc, khắc ghi sự hy sinh to lớn của Người: “Bác Hồ là vị cha chung/Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái Dương/Chúng con chiến đấu đêm trường/Nhờ cha dìu dắt, dẫn đường chúng con/Ơn cha như nước, như non/Như gương hồ thủy, như hòn Thái Sơn”... Với tấm lòng sắc son với Bác, dù khó khăn đến đâu, lòng dân vẫn mãi hướng theo bóng Người: “Ai ra miền Bắc thưa với Cụ Hồ/Lòng người Thừa Thiên vẫn tròn vành vạnh/ Như chiếc nón bài thơ đội đầu”; “Ai lên rừng cho xin miếng gỗ trắc/Gửi ra ngoài Bắc khắc vô mấy câu thơ/Câu thương, câu nhớ, câu đợi, câu chờ/Một mai thống nhất rước Bác Hồ vô thăm”...

Với dung lượng sưu tầm lớn, cuốn sách “Hình tượng Bác Hồ trong thơ ca dân gian Bình Trị Thiên” của tác giả Trần Nguyễn Khánh Phong thật sự đem đến cho bạn đọc một nguồn tư liệu quý về hình tượng Bác Hồ trong đời sống tinh thần của người dân, cũng như những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà nền văn học dân gian mang lại.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG