Sản xuất hàng mây tre đan ở HTX Mây tre đan Bao La (Ảnh minh họa - Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: THANH HƯƠNG

Lợi nhuận của các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp thấp cũng phải. Trong hiện tại, có những lý do chính ràng buộc đó là: mục tiêu chủ yếu của hoạt động HTX là phục vụ. Và quy mô vốn nhỏ. Thêm một lý do nữa, phần nào đó là yếu tố con người điều hành ở các HTX. Dường như họ bước ra điều hành kinh doanh không phải là những nhà kinh tế thực thụ mà xuất phát từ uy tín, trách nhiệm là chính! Nhiều cái khó ràng buộc như vậy cho nên đa số các HTX khó lớn cũng là điều dễ hiểu.

Hoạt động nông nghiệp là hoạt động ít sinh lợi và gặp nhiều rủi ro. Đã vậy, HTX lại còn gánh vác trọng trách phục vụ nữa, cho nên, nếu nhìn nhận về mặt hiệu quả hoạt động của HTX, công bằng nhất là nhìn nhận ở khía cạnh dịch vụ cung ứng cho xã viên có tốt không, phần lớn xã viên có thu được lợi nhuận trên sản phẩm làm ra hay không?

Tìm hiểu hoạt động của nhiều HTX, chúng ta thấy, HTX đóng vai trò kết nối là chủ yếu. Đến mùa, người nông dân muốn làm đất, tiêu úng, gặt lúa… HTX kết nối với những người, những đơn vị cung ứng dịch vụ này để đáp ứng. Tương tự là phân bón, thậm chí là thuốc bảo vệ thực vật, các HTX mua hoặc đứng ra ứng trước từ các công ty cung ứng, đến mùa thu hoạch thì trả lại với một mức lãi suất cũng rất dễ chịu. Từng người nông dân không làm được mà chỉ có HTX mới làm tốt. Đến đây, chúng ta sẽ thấy một phần lợi nhuận trong hoạt động của HTX được chuyển hóa vào các bên liên quan – người nông dân và các đơn vị cung ứng. Hoạt động nông nghiệp tạo ra lợi nhuận đã ít, phần HTX thu được còn ít hơn là vậy.

Kinh tế hợp tác là một mắt xích quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Nó vừa cung ứng một số khâu cần thiết cho đầu vào sản xuất, đồng thời cũng là nơi thu mua, chế biến (chủ yếu là sơ chế) tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Chúng ta thấy trước đây chỉ có HTX nông nghiệp, nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển đa dạng kinh tế ở nông thôn thì hình thành nhiều loại hình HTX khác như: HTX dịch vụ, HTX lâm nghiệp, HTX hoạt động ở lĩnh vực thủ công… Bất kỳ loại hình nào thì HTX cũng đóng vai trò trung gian quan trọng.

Chính vì tính chất này mà Nhà nước rất quan tâm hỗ trợ cho HTX hoạt  động. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế việc hỗ trợ cũng chưa đủ mạnh nên kỳ vọng vào một bước đột phá nào đó trong hoạt động của HTX là điều không thể.

Có một “cửa” mà các HTX có thể khai thác để mở rộng quy mô hoạt động, đó là sản xuất và cung ứng giống. Việc này các công ty đã làm, nhiều tư nhân đã làm từ cây giống đến con giống, nhưng HTX tham gia chưa nhiều. Ví dụ với hàng trăm ngàn héc ta lúa, mỗi năm cần một lượng giống rất lớn; hàng chục ngàn héc ta nuôi tôm, rừng trồng… cũng cần một lượng giống lớn tương tự. Nếu HTX chen chân được một phần trong phân khúc thị trường này và gánh vác tốt thì sẽ tăng được một phần lợi nhuận cho mình và cho xã viên. Cho nên, những câu hỏi cũng cần thiết đặt ra và HTX cần tìm câu trả lời. Mỗi năm, nhu cầu trong tỉnh cần bao nhiêu con giống gia cầm, chẳng hạn, mình có thể cung ứng được không và cung ứng ở mức độ nào? Cây lâm nghiệp cho trồng rừng cũng vậy. Tại sao từng cá nhân họ sản xuất và cung ứng cây giống được, các HTX có làm được và có động lực để làm những việc này hay không? Nếu làm thì cần những điều kiện gì?

NGUYÊN LÊ