Các em học sinh tại huyện Nam Đông thực hành phòng, chống đuối nước

Nguy cơ tiềm ẩn

Những ngày vừa qua, sự việc Thượng úy công an Hà Minh Hải cứu sống bé gái 7 tuổi bị đuối nước tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Cụ thể, sau giờ học buổi sáng, em N.T.N. cùng bạn đến một hồ nước chơi. Em N. không may bị trượt chân rơi xuống hồ nước. Bạn cùng chơi chạy vào UBND xã kêu cứu. Lúc em N. được vớt lên thì đã tím tái, ngừng thở, tim đã ngừng đập. May mắn, sau những cấp cứu kịp thời, cơ thể em N. dần ấm lại, nhịp tim đập trở lại và được cứu sống. Cộng đồng mạng vừa có những lời khen cho nỗ lực của Thượng úy Hải và các cán bộ y tế, đồng thời cho rằng, sự việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với trẻ em.

Một sự việc khác diễn ra vào tháng 5 vừa qua, tại xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vụ đuối nước khiến hai em nhỏ tử vong. Em H.H.N. và H.Đ.N. được bố mẹ gửi bà nội trông giúp để đi làm. Do bận phơi lúa, bà nội để các em chơi cùng nhau ở trong nhà, tuy nhiên, khi bà quay vào thì không thấy các cháu. Sau một lúc tìm kiếm, người thân phát hiện các em bị đuối nước ở ao cá sau nhà.

Theo đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. Nguyên nhân phổ biến là do sự chủ quan, thiếu sự giám sát của người lớn để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ….; mặt khác, một số trẻ không biết bơi hoặc không có kỹ năng xử lý tình huống khi bơi, khi cứu đuối, không có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước dẫn đến tình trạng trẻ bị chết đuối hàng năm luôn tăng cao.

“Trẻ em vốn hiếu động, bố mẹ nhiều lúc cũng khó quản lý. Vì vậy, cần trang bị cho trẻ em những kỹ năng để tự bảo vệ bản thân mình khỏi nguy cơ đuối nước, đặc biệt khi mùa mưa bão sắp đến gần”, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết.

Nỗ lực phòng, chống tai nạn đuối nước

Vào tháng 4/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4493 về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh”, trong đó nhấn mạnh việc rà soát các khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông, đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn để có biện pháp phòng ngừa, can thiệp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ; bố trí rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao, hồ, sông, suối, bãi tắm, khu vực nước sâu nguy hiểm; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đặc biệt là khu vực có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trong thời gian qua cũng đã phối hợp với Tổ chức Hue Help, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ đào tạo, tập huấn về bơi lội và bảo trợ trẻ em đã thực hiện kế hoạch tổ chức chương trình tập huấn cho phụ huynh và học sinh ở huyện Nam Đông về giáo dục an toàn nước và sơ cấp cứu. Trong hai ngày 22 - 23/10, các giảng viên của dự án đã truyền đạt nhiều kiến thức cơ bản về phòng, chống đuối nước, đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ em tại 4 lớp tập huấn với 60 phụ huynh và 60 trẻ em ở 2 xã Hương Phú và Thượng Quảng, huyện Nam Đông. Qua đó, các em đã biết thêm về cách tự bảo vệ và phòng tránh tai nạn đuối nước cho bản thân.

“Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục có những chương trình nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cho trẻ em tại những địa bàn khác trong tỉnh về vấn đề phòng, chống tai nạn đuối nước”, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh thông tin.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH