Đoàn khách đến cầu ngói Thanh Toàn phải rời đi sớm vì không có nhà vệ sinh

Câu chuyện về nhà vệ sinh

Lâu nay, khi nói đến nhà vệ sinh trong hoạt động du lịch luôn là vấn đề khá nhạy cảm. Bởi, nhà vệ sinh công cộng, các điểm du lịch được đầu tư khá sơ sài, ít được bảo vệ, giữ gìn vệ sinh một cách tốt nhất. Cũng chính vì thế mà nó ít được đề cập và người ta có cảm giác ai cũng muốn lảng tránh vấn đề này. Ngay cả những điểm đến, các bến xe mới hình thành… cũng ít chú trọng đến đầu tư nhà vệ sinh để phục vụ nhu cầu tưởng như thứ yếu, nhưng lại cấp thiết trong hoạt động du lịch.

Tham gia hướng dẫn nhiều đoàn khách nội địa lẫn quốc tế, anh Trần Hữu Cửu, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Thừa Thiên Huế chia sẻ, nói về nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch có rất nhiều câu chuyện để bàn đến. Mới đây, đoàn khách khảo sát các điểm du lịch để đưa vào tour kích cầu giai đoạn thích ứng mới, khi đến cầu ngói Thanh Toàn, vì dịch nên nhà giới thiệu nông cụ tạm thời đóng cửa, nhà vệ sinh vì thế cũng “khóa trái”. Nhiều khách muốn giải quyết “nhu cầu” nhưng không có chỗ. Vì thế, cầu ngói bị cắt trong tour. Nhiều người phải “chịu khó” lên xe để quay lại thành phố. Trái hẳn lúc đi không khí vui vẻ, cười nói rôm rả, lúc về không khí căng thẳng, mất vui.

Trong khi đó, một nhà để xe có quy mô được hình thành mới ở cầu ngói Thanh Toàn, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển, lượng khách về cầu ngói được dự báo tăng sắp đến. Nhưng tại đây cũng chưa xây dựng nhà vệ sinh. Đối với du lịch, nơi đến và đi luôn cần có nhà vệ sinh để phục vụ khách.

Nói về nhà vệ sinh ở bến xe, bến thuyền sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Bến xe du lịch Nguyễn Hoàng. Nghịch lý lâu nay ít ai nói đến là bến xe không có nhà vệ sinh. Khách đến, ai muốn “giải quyết khẩn cấp” phải đi “ké” ở quán cà phê cạnh bến xe. Theo các hướng dẫn viên, ban đầu quán cà phê không có ý kiến gì, nhưng về sau khách vào đông, họ cũng khó chịu, một số thời điểm quán cà phê để biển nhà vệ sinh hỏng.

Khi đến tham quan Đại Nội, nếu du khách nào chưa thể “giải quyết” tại Bến xe Nguyễn Hoàng sau thời gian dài di chuyển, phải chịu khó vào trong Đại Nội. Trong khi đó, tại khu vực cửa Ngăn, bãi đỗ xe máy có nhà vệ sinh di động. Nhưng vào rồi mới tận tường, nhà vệ sinh nhưng rất “mất vệ sinh”.

Ông Trần Hữu Cửu cho biết thêm, ở Huế nói riêng và trong nước nói chung thường để biển nhà vệ sinh là WC. Đối với biển này, với các đoàn khách đến từ nước Mỹ họ tỏ ra rất khó chịu và phản ánh nhiều với đội ngũ hướng dẫn viên, vì WC là từ viết tắt thủ đô của họ. Vấn đề này có tính khách quan, nhưng khi đã liên quan đến ngành dịch vụ, có tính “chiều” khách như du lịch, Huế cũng cần có nghiên cứu, phân tích và dùng từ phù hợp nhất.

“Theo tôi, khi thiết kế biển nhà vệ sinh, có thể sử dụng từ restroom, ký hiệu hình người. Nếu chất lượng nhà vệ sinh không cao để sử dụng các từ trên, có thể dùng từ toilet”, ông Trần Hữu Cửu đề xuất.

Cũng liên quan đến nhà vệ sinh, ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng cho rằng, các tuyến đường dọc sông Hương rất đẹp. Nhiều du khách đến Huế rất yêu thích, nhưng họ phản ánh lại, rất ngại tham quan, vui chơi ở đây quá lâu vì không có nhà vệ sinh. Tìm khá lâu mới có, nhưng cũng rất bẩn. Chẳng hạn như tại công viên Lý Tự Trọng, khu vực hồ nhạc nước mới được xây dựng, không có nhà vệ sinh.

Khắc phục để hoàn thiện điểm đến

Mùa mưa kéo dài, khiến du lịch Huế gặp nhiều trở lực, triển khai các dịch vụ khó khăn.

Các doanh nghiệp cho biết, mùa mưa, khi đưa khách vào Đại Nội rất lo lắng vì nền gạch đỏ rất trơn, khách dễ trượt ngã nếu không cẩn thận. Tình trạng dễ trơn trượt cũng xuất hiện ở nhiều điểm đến. Tại làng cổ Phước Tích đã từng rơi vào tình trạng tương tự, nhiều du khách trượt ngã nên nền gạch nơi đây đã được thay thế. Hay ở các nhà vườn, chùa chiền ở Huế vào mùa mưa cũng tương tự.

Ông Nguyễn Đình Thuận thông tin, khi tổ chức tour vào mùa mưa, các doanh nghiệp phải lường trước và thông báo đến khách sử dụng giày chống trơn trượt. Nhưng dù chuẩn bị rất kỹ lưỡng vẫn xảy ra tai nạn. Chúng tôi đã từng phải xử lý một số trường hợp tai nạn tương tự. Khi đó, ảnh rất lớn về lịch trình tour. Mọi người phải chờ đợi để xử lý xong mới đi tiếp, nhanh thì 1 - 2 tiếng, lâu có khi đến nửa ngày.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, trơn trượt vào mùa mưa mang yếu tố khách quan vì thời tiết mưa kéo dài, ẩm cao thuận lợi để rong rêu phát triển. Trung tâm nhận được nhiều ý kiến từ doanh nghiệp và du khách. Để hạn chế trung tâm làm vệ sinh liên tục, đánh rửa rong rêu. Đặt các biển báo ở các điểm dễ trơn trượt để du khách biết. Bên cạnh đó, thông tin kịp thời các doanh nghiệp, các hướng dẫn viên biết để chuẩn bị các vật dụng, giày chống trượt tốt để hạn chế tối đa tai nạn có thể xảy ra khi khách đi tham quan.

Trong du lịch, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chất lượng. Những tồn tại của du lịch cần được nhìn nhận, có giải pháp khắc phục phù hợp. Ở các trung tâm du lịch lớn, nhà vệ được chú trọng, quy hoạch đầu tư rất bài bản. Huế cũng nên như vậy.

Bài, ảnh: Đức Quang