Ths. Bs. Nguyễn Thị Nguyệt Minh hướng dẫn quy trình xét nghiệm, tiêm vắc-xin cho lực lượng phòng dịch tại Đồng Nai
Ảnh: NVCC
Đến bộ môn Mắt, Trường ĐH Y - Dược, tôi bắt gặp giảng viên Nguyệt Minh đang chuẩn bị giáo án cho giờ lên lớp. “Dạy học trực tuyến có nhiều bất lợi, vì thế nên mình phải chuẩn bị bài giảng thật kỹ càng và chu đáo, nhằm giúp sinh viên có thể tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn nhất”, BS. Nguyệt Minh chia sẻ.
Là một giảng viên, bác sĩ trẻ, chị thấu hiểu những khó khăn trong tiếp thu bài học của các bạn sinh viên, nhờ đó có những biện pháp tăng hiệu quả của những tiết học, không ngần ngại áp dụng thêm những phần mềm hỗ trợ học tập, những mô hình học tập mới để hỗ trợ sinh viên. “Những tiết học của cô Nguyệt Minh luôn rất sinh động và dễ hiểu. Cô cũng rất quan tâm, gần gũi với sinh viên”, Lê Thái Uyên Thi, sinh viên Trường ĐH Y – Dược cho biết.
ThS. Nguyệt Minh còn là một người rất năng nổ trong các hoạt động phong trào, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Vừa qua, khi dịch COVID-19 bùng phát, chị đã cùng 105 cán bộ, sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Y – Dược tham gia chống dịch tại Đồng Nai. BS. Minh cho biết, đã nhen nhóm ý định đi tình nguyện chống dịch từ lúc dịch bùng phát tại Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Những đợt “xuất quân” trước đó của Trường ĐH Y – Dược, chị đóng vai trò là hậu phương vững chắc, sẵn sàng tiếp tế nhu yếu phẩm đến tuyến đầu. Vốn đã có tinh thần “đi để làm việc, đi để cống hiến” nên ngay khi tỉnh Đồng Nai gửi thư kêu gọi hỗ trợ, chị đã sẵn sàng đi vào tâm dịch. “Mình may mắn có gia đình làm điểm tựa vững chắc. Mọi người trong gia đình dù có phần lo lắng nhưng vẫn ủng hộ quyết định vào miền Nam chống dịch của mình. Điều đó tiếp thêm động lực để mình nỗ lực hoàn thành mục tiêu”.
Tại Đồng Nai, đoàn tình nguyện của Trường ĐH Y – Dược tham gia hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho người dân và hỗ trợ tiêm vắc-xin. Những ngày đầu mới vào Đồng Nai, đoàn tình nguyện chưa quen việc, nên ngày nào cũng thấy rất vất vả, mệt mỏi, hỗn loạn, không thống nhất được quy trình làm việc. Mọi người đã phải hội ý, đồng thời có những đề xuất với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và trung tâm y tế địa phương để thống nhất quy trình làm việc. Dần dần mọi thứ ổn định hơn, mọi người đã quen với những thao tác lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin nên năng suất dần được nâng cao.
Hơn một tháng trong tâm dịch, BS. Nguyệt Minh và các cán bộ, sinh viên trong đoàn tình nguyện có không ít kỷ niệm, gắn bó với người dân địa phương. Chị vui vẻ: “Mỗi ngày mình làm việc tại mỗi phường, mỗi tổ dân phố khác nhau. Người dân thấy đoàn tình nguyện hỗ trợ chống dịch cũng thương và vui vẻ hợp tác. Có nhiều bạn sinh viên được người dân tặng bánh, kẹo để lót dạ trong giờ nghỉ. Bên cạnh đó còn là tình bạn với các lực lượng phòng dịch ở địa phương. Lúc lên xe rời Đồng Nai để về Huế, ai nấy cũng đều lưu luyến, bịn rịn. Đến giờ mình vẫn thường xuyên nhận được những tin nhắn cảm ơn cũng như hỏi thăm sức khỏe từ những người bạn ở Đồng Nai”.
Theo GS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y – Dược, Ths. BS Nguyệt Minh là một giảng viên trẻ, rất năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm trong công việc. Chính vì lẽ đó, trường rất yên tâm khi giao trọng trách cho chị dẫn đoàn vào miền Nam chống dịch. “Đoàn tình nguyện may mắn có hậu phương vững chắc từ các thầy, cô tại Đại học Huế cũng như Trường ĐH Y – Dược. Nhờ những quan tâm và động viên mỗi ngày đó mà mọi người thêm phần an tâm, thêm phần mạnh mẽ để tiếp sức cho miền Nam ruột thịt”, BS. Nguyệt Minh bộc bạch.
Từ những đúc kết sau đợt tình nguyện đầy khó khăn, BS. Nguyệt Minh càng thấm thía hơn nỗi đau dịch bệnh. Với chị, những chuyến tình nguyện chống dịch như vừa qua góp phần gắn kết quyết tâm chiến thắng dịch bệnh của toàn dân tộc Việt Nam. BS. Nguyệt Minh tự nhủ, bản thân phải luôn nỗ lực, cống hiến trong giảng dạy và chữa bệnh cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
ĐĂNG TRÌNH