Dự án hạ tầng kỹ thuật “Chương trình phát triển các đô thị loại II - đô thị xanh” được thực hiện tại 3 tỉnh (Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế) với tổng kinh phí 1triệu USD, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại 800.000 USD, thời gian thực hiện từ tháng 1-2014 đến 2-2015, với mục tiêu hỗ trợ các chủ dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hiết kế cơ sở và lập kế hoạch chuẩn bị cho dự án đầu tư vay vốn của ADB nhằm phát triển, nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị tại 3 thành phố nói trên. Tuy nhiên, do có thay đổi về nguồn vốn viện trợ và các tiêu chí mới trong thực hiện của ADB nên dự án được điều chỉnh nâng tổng mức viện trợ lên 2,3 triệu USD. Trong đó, ADB viện trợ không hoàn lại 800.000 USD, Quỹ Tín thác biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi đô thị (UCCRTF) của đối tác Tài chính đô thị (UFPF) 1 triệu USD và Quỹ Tín thác Hà Lan (NTF) của tổ chức đối tác Tài chính nước (WFPF) 300.000 USD; còn lại vốn đối ứng của Việt Nam.
Theo kế hoạch, đến tháng 9-2015, ADB phối hợp với các địa phương hoàn chỉnh toàn bộ báo cáo của dự án và đề nghị Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch thực hiện và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục các hạng mục đầu tư, gói thầu thực hiện, chậm nhất đến tháng 11-2015 phải hoàn thành để trình Hội đồng ADB và ký kết Hiệp định vay trong tháng 1-2016, sớm triển khai dự án vào tháng 3-2016.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đánh giá cao sự hợp tác và viện trợ của ADB đối với dự án phát triển đô thị xanh tại Thừa Thiên Huế; đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai dự án đúng tiến độ và tạo điều kiện cho Tổ tư vấn của ADB thực hiện tốt các công việc, nhiệm vụ của dự án tại Thừa Thiên Huế đồng thời mong muốn trong quá trình thực hiện dự án, ADB cần nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ để không có sự trùng lặp trong đầu tư và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị xanh gắn với bảo tồn giá trị di sản văn hóa Huế...
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xã giao bà Yamaguchi Rika, Cố vấn cao cấp Chương trình Tình nguyện viên JICA-Nhật Bản cùng đoàn đến thăm tỉnh Thừa Thiên Huế. Dịp này, hai bên trao đổi nội dung các tình nguyện viên JICA Nhật Bản quan tâm, tìm hiểu bản sắc văn hoá và những nét độc đáo ẩm thực Huế để tuyên truyền, quảng bá văn hoá du lịch Huế đến với du khách; trong đó có nhiều du khách đến từ Nhật Bản. Bà Yamaguchi Rika cho rằng, thời gian qua, các tình nguyện viên của Chương trình JICA làm việc không dài nhưng để lại ấn tượng tốt đẹp cho Huế. Vì thế mong lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan; đặc biệt Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Thừa Thiên Huế quan tâm, tạo điều kiện cho các tình nguyện viên Nhật Bản hoàn thành tốt các dự tính, kế hoạch trong thời gian đến, nâng tầm mối quan hệ hợp tác phát triển giữa hai bên ngày càng tốt đẹp.
Ông Nguyễn Dung đánh giá cao Chương trình Tình nguyện viên của JICA tại Việt Nam và các tình nguyện viên trẻ đang làm việc ở Huế; ghi nhận những ý kiến đề xuất và hứa tạo mọi điều kiện cho các tình nguyện viên tiếp cận, làm việc thuận lợi không chỉ trong lĩnh vực văn hoá, du lịch và các lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội, giảm nghèo, phòng chống thiên tai...trong thời gian đến.