Tôi cầm ngọn lửa trên tay

                    Ngọn lửa âm thầm cháy đỏ

                    Soi cho các em để sáng cho mình

 

                    Mỗi giờ đến lớp điểm danh

                    Thừa một chỗ ngồi thiếu người chia lửa

                    Đêm về khoảng trống cháy khôn nguôi

 

                    Lớp học nào lớp học đời tôi

                    Vắng một giây thôi sẽ không là tôi nữa

                    Đâu chỉ các em cả người giữ lửa

                    Cũng sợ tàn rơi rát bỏng tay mình

 

                    Đi qua chưa hết cuộc đời

                    Nói sao cạn tỏ

                    Ngọn lửa thức cùng tôi thế đó

                    Đã bao lần tôi tự điểm danh tôi.

                                        (Điểm danh – Nguyễn Ngọc Hạnh)

                           

Niềm vui của người cầm phấn chính là được thấy học trò đến lớp vui học hành. Ảnh: Minh Trúc

Với câu từ giản dị, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạnh năm xưa đã gửi niềm thao thức về nghề đến với bao đồng nghiệp, nhất là trong những ngày Covid-19 bùng phát dữ dội ở khắp muôn nơi. Bao lớp học bây giờ vắng lặng, thầy trò đành xa cách nhau, không chỉ “vắng một giây thôi” mà vắng nhau cả mấy tháng trời. Sân trường quen thuộc giờ bỗng rộng thênh thang với những chiếc lá bàng rơi lác đác; lớp học ngẩn ngơ chỉ còn những dãy bàn chơ vơ thầm lặng… Trong nỗi buồn xa trường lớp, tôi tự điểm lại từng gương mặt học sinh và tự điểm danh mình: “Thừa một chỗ thiếu người chia lửa/ Đêm về khoảng trống cháy khôn nguôi”.

 Ai đã từng cầm phấn đứng trên bục giảng mới hiểu hết nỗi trống vắng ấy. Có yêu tha thiết nghề dạy học, chúng ta mới trăn trở cùng bài thơ này của Nguyễn Ngọc Hạnh. Mỗi lần điểm danh, chỉ một học sinh vắng học là cả niềm lo âu và cả khoảng trống cháy khôn nguôi trong trái tim của thầy (huống gì vắng cả đàn em thân yêu). Đối tượng lên lớp của thầy là trò, là học sinh; vắng trò, ai sẻ chia trang giáo án mà thầy đã miệt mài thâu đêm soạn giảng? Liệu trò vắng là vì ốm đau hay bỏ học ra đồng giúp mẹ? Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong thầy mỗi khi nhìn vào chỗ trống dưới lớp học thân thương. Cuộc đời dạy học là vậy đó, không chỉ có niềm vui khi bắt gặp ánh mắt bừng sáng của trò trong mỗi tiết dạy mà còn có cả nỗi buồn, những giọt nước mắt đầy thương mến nghĩa thầy trò.

Nguyễn Ngọc Hạnh đã mở đầu bài thơ bằng ngôn ngữ đầy hình tượng: “Tôi cầm ngọn lửa trên tay”, dường như nhà thơ muốn khẳng định: Người thầy được xã hội giao trọng trách cầm trên tay ngọn lửa tri thức, chiếc chìa khoá dẫn đường mở lối cho học sinh chinh phục nguồn trí tuệ vô tận của nhân loại. Người thầy không chỉ là người mở lối mà còn là người giữ lửa, người truyền lửa, lửa của niềm tin, khát vọng, đam mê. Hình ảnh “ngọn lửa” lặp lại ở hai câu thơ nhấn mạnh vai trò của người thầy trong lớp học hiện tại không còn là người chỉ truyền đạt kiến thức một chiều mà còn là người tổ chức, khơi mở để các em tự phát huy phẩm chất, năng lực của chính mình; thầy không chỉ là người dẫn lối mà còn là người lan tỏa tình yêu cuộc sống để mỗi học sinh có thể vươn xa, bay cao đến bầu trời tri thức mới.

Công việc Điểm danh của người thầy trong bài thơ là những thao tác quen thuộc mỗi ngày, thế mà “mỗi giờ lên lớp điểm danh/ thừa một chỗ thiếu người chia lửa/ đêm về khoảng trống cháy khôn nguôi”. Có gì đâu mà to tát thế? Như mọi thầy cô khác, người thầy trong bài thơ cũng thực hiện thao tác điểm danh nhưng mỗi lần thầy điểm danh là một lần thao thức. Cũng như đời thầy đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, vẫn gặp những bất trắc buồn đau:

Lớp học nào lớp học đời tôi

Vắng một giây thôi sẽ không là tôi nữa

Đâu chỉ các em cả người giữ lửa

Cũng sợ tàn rơi rát bỏng tay mình.

Người thầy - lớp học, cặp phạm trù song trùng; không có lớp học sẽ không có người thầy và nhờ có lớp học, có học trò mới có sức níu giữ nhân cách cao cả cho thầy. Mỗi giờ lên lớp, thầy là người mang tri thức đến cho học trò và người thầy ấy cũng tự soi mình trước tấm gương đời để chữ tâm không bị vẩn đục. Cụm từ “tàn rơi rát bỏng tay mình” là minh chứng cho những hệ luỵ mà không ít người thầy đã và sẽ gặp trong cuộc đời cầm phấn của mình.

Trong từng đêm thao thức, biết bao người thầy giữa cuộc đời này vẫn lặng lẽ bên ngọn lửa để tự truy vấn mình: “Đi qua chưa hết cuộc đời/ Nói sao cạn tỏ/ Ngọn lửa thức cùng tôi thế đó/ Đã bao lần tôi tự điểm danh tôi”. Nếu điểm danh là hình thức mở đầu của mỗi giờ lên lớp của thầy với trò; thì cái kết của bài thơ, người thầy - nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh lại tự kiểm điểm lại chính mình để hoàn thiện hơn trước bao nhiêu cặp mắt của học trò. Điểm danh cũng là một hình thức tự vấn, một barrier nhắc người thầy tự điều chỉnh mình, để không đánh rơi mình trước sự nhiễu nhương của cuộc đời đầy dâu bể này.

Bài thơ ngắn có mười bốn dòng, số lượng câu ở hai khổ cuối tăng dần như sự bung toả cảm xúc, Nguyễn Ngọc Hạnh đã tự sự với chính mình về những kỷ niệm không quên của những tháng năm làm nghề dạy học. Đây cũng chính là nỗi niềm chung của biết bao người thầy đang âm thầm gắn bó với nghề nghiệp cao quí nhưng không ít truân chuyên này. “Có những người thầy/ Một đời gieo hạt/ Chân mòn bục giảng/ Sợi tóc nào hằn vết thời gian” (Có một ngôi trường- NVM)./.

Nguyễn Thị Thu Thủy