Những nhà hàng bằng tre mọc lên giữa đầm Chuồn với một diện tích khá lớn đã cho thấy một tư duy mới của các chủ quán. Từ những ngư dân hay những người làm dịch vụ nhỏ, họ đã trở nên nhạy bén và dám đầu tư cả một số vốn khá lớn để tạo ra những điểm đến khá thú vị với những món ngon, tươi và cơ bản là rất đặc trưng đầm phá để kéo khách các nơi đổ về. Nhiều chiếc thuyền nhỏ chở khách từ bờ ra nhà hàng cũng đã được gia cố và trang trí thêm cho bắt mắt. Thế nên cũng là điều dễ hiểu khi khách đến đây đa phần là những người trẻ, những nhóm bạn bè và cũng có nhiều gia đình cùng về để đổi gió và tìm những dư vị mới mẻ.

Điều mà chúng tôi băn khoăn là ở chỗ, đầm Chuồn bây giờ có nhiều rác quá. Nhất là ở những điểm có mật độ khách đông. Chẳng hạn như trước khu vực giữ xe của thôn Định Cư, rác đọng khá dầy đặc ở khu vực đậu thuyền. Điều này mặc nhiên làm cho khách có cảm giác không an tâm và mang đến một cảm giác không hề an toàn về vệ sinh môi trường và cả thực phẩm nữa. Nhìn cũng có thể hiểu rằng, số rác trôi nổi này chưa hẳn đến từ các nhà hàng, có lẽ nhiều nhất là do khách trên bờ và khách xuống thuyền thải loại. Nhưng chả lẽ không có một giải pháp nào để xử lý việc này, dựa trên sự đóng góp như một yêu cầu của chính quyền địa phương đối với các chủ nhà hàng để làm sạch môi trường nước, tạo một sự yên tâm cho khách khi đến nơi đây mỗi ngày?
Bài viết Đầu năm Đầm Chuồn hút khách trên báo Thừa Thiên Huế số 6299 ra ngày 7-3 lại phản ảnh thêm một khía cạnh khác: mặc dù đã chú ý đến việc xử lý và cho vớt rác ở xung quanh nhà hàng, nhưng điều cơ bản và quan trọng là, họ chưa có giải pháp tốt để giải quyết thấu đáo rác và các chất thải trong quá trình kinh doanh. Đa phần là thải xuống đầm Chuồn. Thế nên, nguy cơ về sự ô nhiễm là điều thấy rõ ngay trước mắt và về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Đầm Chuồn.
Làm ăn là một chuyện. Nhưng làm ăn thì cũng phải tính kế lâu dài và trong sự lâu dài ấy, tính bền vững và trách nhiệm không chỉ ở giải quyết công ăn việc làm, ở việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, làm nghĩa vụ với Nhà nước mà còn là trách nhiệm với môi trường như một sự chắc ăn về lâu dài.
Có lẽ, đây là điều mà chính quyền địa phương cần tham vấn các cơ quan chức năng để cùng với người dân có ứng xử tốt hơn với môi trường nói chung và Đầm Chuồn nói riêng. Theo chúng tôi, đó mới là một cách nghĩ chắc ăn và bền vững hơn. Nếu không, thực khách sẽ lại tìm đến những điểm mới, sạch hơn và đó sẽ lại là một vòng luẩn quẩn kéo dài…
An Bình