Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát triển 12.000ha rừng FSC
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Đức cho biết, về xây dựng vùng nguyên liệu trồng rừng gỗ lớn (FSC), hiện tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân giai đoạn 2021-2025 xây dựng mở rộng quy mô rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng tối thiểu là 12.000 ha với ít nhất trên 2.250 hộ nông dân/40 HTX lâm nghiệp bền vững, hoạt động theo chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng; có doanh nghiệp đầu mối bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ lớn (Giai đoạn 2016- 2020 đã có trên 5.100 ha rừng trồng FSC).
Để hỗ trợ cho các vùng trồng rừng nguyên liệu được bền vững, tỉnh phê duyệt Đề án phát triển HTX lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021- 2030 với mục tiêu tập trung nguồn lực hỗ trợ các HTX Lâm nghiệp bền vững phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; xây dựng hạ tầng, trang thiết bị vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực quản trị các HTX, nhận thức của lâm hộ thành viên đảm bảo sản xuất phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Từ tình hình thực tế, tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT rà soát quy hoạch và tăng nguồn lực hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh; có chính sách thỏa đáng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để làm “đầu kéo” giúp HTX nông nghiệp, nông dân trong việc xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình Khuyến nông giai đoạn 2021- 2025: Các hoạt động khuyến nông tập trung vào các chương trình nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của tỉnh, các tiến bộ kỹ thuật mới đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học, phương pháp canh tác mới, cơ giới hóa; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn
Thứ trưởng Trần Thanh Nam tham quan mô hình "Xã thông minh" tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt, quyết tâm của Thừa Thiên Huế trong phát triển nông nghiệp. Tỉnh đã phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển các sản phẩm, mô hình. Đã tập trung vào tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thực sự có hiệu quả. Đồng thời cho biết, thời gian qua, Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung để chuyển đổi nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Để làm tốt kinh tế nông nghiệp thì phải có vùng sản xuất nguyên liệu đủ lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, có mã số vùng trồng, vùng nuôi để quản lý, truy xuất nguồn gốc và chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu rõ, việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ khắc phục những hạn chế và tồn tại của lĩnh vực nông nghiệp như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết. Phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại. Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản. Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao gia trị, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.
“Thông qua việc xây dựng mô hình vùng nguyên liệu tiêu chuẩn sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó, giúp Nhà nước quản lý tốt về quy hoạch sản xuất, linh hoạt trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quy luật cung cầu cho nông sản và quản lý hiệu quả nguồn cung sản phẩm nông nghiệp”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để triển khai mô hình phát triển trồng rừng gỗ lớn, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ địa phương một phần để đảm bảo được hạ tầng vùng sản xuất. Tạo điều kiện về đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các HTX tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu. Định hướng cùng các đơn vị chuyên môn xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đạt chuẩn. Những vùng nguyên liệu phải đáp ứng yêu cầu liên kết từ 2 tỉnh trở lên để có thể tạo liên kết vùng, tập trung đồng bộ sự hỗ trợ nhiều địa phương khác.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao việc Thừa Thiên Huế đã làm tốt việc đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất nguyên liệu, sản xuất hữu cơ; phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng “Xã thông minh”, đây là những mô hình cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng thời gian tới. Bộ NN&PTNT sẽ chọn một số mô hình hiệu quả để xây dựng mô hình điểm cho toàn quốc.
Bài, ảnh: Thái Bình