Tình trạng úng ngập tại một số khu vực trên địa bàn TP. Huế dễ xảy ra khi có mưa lớn
Cùng với những thay đổi thất thường của các hiện tượng thời tiết do biến đổi khí hậu (BĐKH), lại nằm ở vị trí chịu sự chi phối của cơ chế hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á và bị tác động mạnh mẽ của điều kiện địa hình, nên chế độ mưa ở Thừa Thiên Huế có những đặc điểm khác với Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ.
Theo báo cáo đánh giá khí hậu trên địa bàn tỉnh của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị có liên quan, chế độ mưa ở Thừa Thiên Huế không những khác miền Bắc, Tây Nguyên và Nam bộ về cơ chế gây mưa mà còn khác về thời gian bắt đầu, kết thúc mùa mưa và mùa ít mưa.
Về phân bố mưa năm theo không gian, Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có lượng mưa nhiều nhất trên cả nước. Lượng mưa trung bình hàng năm ở các vùng trong toàn tỉnh đều trên 2.700mm, có nơi trên 4.000mm như Bạch Mã, Thừa Lưu. Có những năm xảy ra những đợt mưa lớn bất thường gây ngập lụt, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở các vùng đồng bằng cũng như gây sạt lở đất rất nghiêm trọng ở các vùng núi, đồi dốc.
Cùng với những địa phương ở khu vực đồng bằng, hiện tượng mưa lớn theo mùa và có lúc xuất hiện lượng mưa cao đột biến cũng đã gây ra tình trạng ngập lụt trên địa bàn TP. Huế. Theo báo cáo đánh giá của các ngành chức năng, chưa kể những khu vực mới sáp nhập, địa bàn TP. Huế vẫn tồn tại nhiều khu vực thường xuyên ngập ở 2 bờ Bắc và Nam sông Hương. Riêng bờ Nam sông Hương, khu vực phường Vỹ Dạ thường bị úng ngập khi có mưa và mức nước sông Hương lên cao. Tại các khu quy hoạch Nam Vỹ Dạ và các tuyến đường Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương bị ngập úng khoảng 0,5m.
Khu vực phường Phú Hội ở đoạn đầu của đường Bến Nghé - Hùng Vương, các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Trần Quang Khải vẫn hay bị ngập úng khoảng 0,5m khi mưa lớn và cũng rút nước nhanh sau khi tạnh mưa khoảng 1-2 giờ.
Khu vực phường Xuân Phú là khu vực bị ngập lụt nặng nhất khi có mưa do địa hình tự nhiên thấp. Nhưng do khu vực này vừa mới được san nền lại khu vực Trung tâm Thể thao thành phố, khu đô thị mới Kiểm Huệ và được xây dựng lại tuyến mương T7 trên đường Tố Hữu kéo dài nên đã giải quyết được phần nào tình trạng ngập úng ở các khu vực này. Còn đối với khu vực đô thị phía nam Trung tâm Thể thao thành phố về phía đường Trường Chinh vẫn bị ngập thường xuyên.
Khu vực phường Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, An Cựu hiếm khi bị úng ngập khi có mưa, nhưng một số tuyến đường như Lý Thường Kiệt, Đống Đa, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thị Minh Khai, ngã ba Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương vẫn bị ngập úng khoảng 0,2-0,5m do đường kính ống thoát nước nhỏ không thoát kịp và sau khoảng 1-2 giờ tạnh mưa thì nước rút.
Khu vực phường Phường Đúc thường bị úng ngập cục bộ dọc tuyến đường Bùi Thị Xuân và khu vực Dương Xuân Hạ trong khoảng thời gian ngắn khi có mưa lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài địa thế code nền thấp, nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng xảy ra ở nhiều khu vực TP. Huế một phần còn do quá trình đô thị hóa, mật độ dân cư lớn, quy hoạch hạ tầng chưa tính đến phòng ngừa và thích ứng với BĐKH. Nhiều vị trí vốn là nơi thu nước, thoát nước tự nhiên nhưng đã bị bồi lấp hoặc bị điều chỉnh thiếu hợp lý. Hoặc có những nơi thay vì nên điều chỉnh nâng code nền thì lại vẫn khư khư tuân thủ quan điểm cũ trước đây.
Vấn đề ngập úng, ngập lụt không phải là chuyện nhỏ mà gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, an toàn tính mạng của người dân. Ngập úng còn gây hư hại đến tài sản, phương tiện, công trình giao thông và cây cối, hoa màu.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN