Thanh Nhi tại một buổi tập luyện

Lần đầu ra “biển lớn”

Trung tuần tháng 11, cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi (bộ môn bắn cung Huế) cùng 9 VĐV Việt Nam (2 nữ, 7 nam) có mặt tại Bangladesh để so tài với hơn 120 VĐV đến từ 14 quốc gia tại giải vô địch bắn cung châu Á 2021 (diễn ra từ 14 – 19/11). Và ở ngày thi đấu đầu tiên, với 320 điểm ghi được, Thanh Nhi lọt vào top 10 VĐV dẫn đầu nội dung toàn năng cung 1 dây cự ly 70m.

Thật ra, điểm số cùng vị trí thứ 10 của Thanh Nhi không cao, nhưng nếu so với 2 đồng đội nữ là Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Hà Thị Ngọc lần lượt xếp thứ 19 và 22, trong đó, Ánh Nguyệt là VĐV được đầu tư để tham dự Olympic; hay rộng hơn, là xếp trên hàng chục VĐV đến từ các nước bạn, có thể thấy phần nào năng lực và cố gắng của cung thủ Cố đô.

Nói năng lực, cố gắng của Thanh Nhi là bởi, sau 6 năm gia nhập làng bắn cung, đây là lần đầu tiên Thanh Nhi được tranh tài tại nước ngoài, và còn là ở giải đấu đẳng cấp nhất châu lục. Ở những đấu trường như thế này, tâm lý, kinh nghiệm trận mạc là một lợi thế rất lớn, thậm chí có thời điểm là yếu tố quyết định thành – bại. Và Thanh Nhi đang thiếu những tích lũy như vậy.

Đoàn VĐV Việt Nam (phải) tại lễ khai mạc giải vô địch bắn cung châu Á 2021

Trong bắn cung, nội dung toàn năng mà Thanh Nhi cùng 2 đồng đội nữ tham dự, bên cạnh để tính điểm đồng đội và đôi nam nữ, nội dung này nhằm xác định vị thứ và phân chia nhóm hạt giống cho những VĐV từ top 5 trở lên được nghỉ vòng đầu của nội dung loại trực tiếp, đồng thời, tạo lợi thế cho các VĐV trong top 5 được thi đấu với các đối thủ có vị trí thấp chứ không phải để tranh chấp huy chương.

Vậy nên, vị trí thứ 10 dù không tạo lợi thế nhưng ở khía cạnh khác, lại giúp Thanh Nhi có nhiều hơn cơ hội tranh tài với các VĐV đẳng cấp của nước bạn, và nếu chứng tỏ được năng lực bản thân, cơ hội tìm kiếm một suất tham dự SEA Games, ASIAD… trong tương lai của Thanh Nhi là khá sáng.

Tương lai phía trước

Thành lập từ năm 2014, khi ấy, bộ môn bắn cung Huế vỏn vẹn có 3 VĐV cùng sinh năm 1998. Nhưng chỉ sau 4 tháng ra mắt, tại giải vô địch bắn cung trẻ toàn quốc 2014, Bích Phương giành được HCĐ còn Minh Thạnh và Đức Nam đạt đẳng cấp VĐV cấp 1. Đáng nói, lứa VĐV đầu tiên này đều từ các bộ môn khác chuyển sang: VĐV điền kinh (Minh Thạnh), Karatedo (Bích Phương) và Judo (Đức Nam). Và trước những thành tích này, các chuyên gia nước ngoài đến huấn luyện cho bắn cung Huế thời điểm đầu đánh giá rằng, sau nhiều năm huấn luyện cho đội tuyển Việt Nam, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến không chỉ 1 mà là đến 3VĐV tiến bộ nhanh đến kinh ngạc như vậy.

Sau 3 VĐV nói trên, năm 2015, Thanh Nhi gia nhập bộ môn bắn cung Huế. Chỉ 1 năm sau, cô gái sinh năm 2001 đã khoác áo tuyển trẻ quốc gia, đồng thời, liên tiếp gặt hái hàng loạt thành tích đáng ghi nhận trên các đấu trường.

Được huấn luyện trong môi trường chuyên nghiệp hơn, Thanh Nhi nhanh chóng bộc lộ năng khiếu khi năm 2017, cô bắt kịp kỷ lục quốc gia cung 1 dây cự ly 60m nữ tại giải vô địch trẻ toàn quốc. Hai năm sau, Thanh Nhi tạo nên “địa chấn” ở giải vô địch các đội mạnh quốc gia khi xô ngã kỷ lục cũ tồn tại hơn 1 thập kỷ và lập nên kỷ lục quốc gia mới nội dung cung 1 dây cự ly 30m. Cũng từ đó, Thanh Nhi được xem là đầu tàu của bắn cung Huế, đồng thời là 1 trong 3 nữ cung thủ 1 dây xuất sắc nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.

Có thể thấy, với năng lực cũng như đặc thù, VĐV bắn cung có tuổi đời khá dài (trên thế giới vẫn có ít nhà vô địch bắn cung ở độ tuổi 40 - 45) nên khả năng phát triển xa hơn, cống hiến nhiều hơn cho bắn cung Huế nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung của Nhi vẫn đang trải dài phía trước.

“Đó là chuyện của tương lai xa, còn trước mắt, sau khi trở về từ giải vô địch bắn cung châu Á 2021, bất kể thành tích như thế nào thì bản thân vẫn phải ráo riết tập luyện để giành thành tích cao tại giải vô địch quốc gia dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới, qua đó, tạo cho mình cơ hội có 1 suất tham dự SEA Games 31 diễn ra vào năm 2022”, Nhi chia sẻ.

Bài: HÀN ĐĂNG

Ảnh: HÀN ĐĂNG - ASIANARCHERY