Tàu chở hàng Ever Given bị mắc kẹt tại Kênh đào Suez (Ai Cập) được các tàu cứu hộ nỗ lực giải cứu. Ảnh minh họa: THX/ TTXVN

Cơ quan thương mại và phát triển của LHQ, hay còn được gọi là Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, mức giá nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 11%, trong khi mức giá tiêu dùng có thể mở rộng 1,5% từ nay đến năm 2023.

“Giá tiêu dùng toàn cầu sẽ tăng đáng kể trong năm tới, cho đến khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng vận tải biển được giải quyết; và các hạn chế về cảng biển, cũng như sự hoạt động kém hiệu quả của các khu bốc dỡ hàng hóa được tháo gỡ”, UNCTAD nhận định trong báo cáo Đánh giá về Vận tải Hàng hải năm 2021.

Được biết, từ nửa cuối năm 2020, các chuỗi cung ứng toàn cầu đã phải đối mặt với nhu cầu chưa từng có, khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa hơn là các dịch vụ trong thời gian thực hiện các biện pháp phong toả do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, sự gia tăng về nhu cầu đã gây ra một số hạn chế thực tế, bao gồm năng lực chuyên chở container, tình trạng thiếu container, thiếu lao động, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển, và các hạn chế liên quan đến đại dịch. Theo báo cáo của UNCTAD, sự chênh lệch này đã dẫn đến giá cước vận chuyển container kỷ lục “trên tất cả các tuyến đường thương mại container thực tế”.

Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký của UNCTAD lưu ý: “Sự gia tăng của giá cước vận chuyển hiện nay sẽ có tác động sâu sắc đến thương mại, và làm suy yếu sự phục hồi kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, cho đến khi hoạt động vận tải biển trở lại bình thường”.

Trong đó, việc trở lại bình thường sẽ đòi hỏi phải đầu tư vào các giải pháp mới, bao gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ vận chuyển và số hóa, cũng như các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại.

Cũng theo UNCTAD, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng những thách thức có từ trước trong ngành này, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt lao động và khoảng cách về cơ sở hạ tầng.

Thương mại hàng hải phục hồi

Dù vậy, tác động của đại dịch đối với khối lượng thương mại hàng hải hồi năm ngoái đã ở mức ít nghiêm trọng hơn, so với các dự báo ​​ban đầu. Thương mại hàng hải đã thu hẹp 3,8% còn 10 tỷ tấn vào năm 2020, và được dự kiến sẽ ​​tăng 4,3% trong năm nay.

UNCTAD cho rằng, triển vọng trung hạn vẫn tích cực; song, rủi ro và sự không chắc chắn có khả năng gia tăng. Cơ quan này dự báo, tăng trưởng thường niên sẽ chậm lại còn 2,4% trong giai đoạn 2022 - 2026, so với mức tăng trưởng 2,9% trong 2 thập kỷ qua.

“Một sự phục hồi lâu dài... sẽ phần lớn phụ thuộc vào khả năng giảm thiểu những cơn gió ngược và chiến dịch triển khai vaccine trên toàn thế giới", Tổng Thư ký Rebeca Grynspan nói thêm; đồng thời lưu ý, những tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) và các quốc gia kém phát triển nhất (LDCs).

Cụ thể, giá tiêu dùng được dự kiến tăng ở mức 7,5% ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển, và tăng ở mức 2,2% ở các quốc gia kém phát triển nhất.

Định hình tương lai

Theo dự báo của UNCTAD, trong khi những nút thắt đã và đang gây cản trở đối với sự phục hồi kinh tế, đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến những thay đổi sâu rộng trong ngành vận tải hàng hải.

Cuộc khủng hoảng đã kích hoạt quá trình số hóa và tự động hóa, điều này sẽ mang lại hiệu quả và giúp tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, thương mại điện tử, đang được thúc đẩy bởi đại dịch, đã thay đổi thói quen mua sắm và cách chi tiêu của người tiêu dùng.

Qua đó, cơ quan thương mại và phát triển của LHQ khẳng định: “Điều này có thể tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho vận tải hàng hải và các cảng biển”.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & The Straits Times)