Một khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại Altamira, bang Para, Brazil. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Số liệu so sánh được lấy trong giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021. INPE nêu rõ 13.235 km2 rừng bị tàn phá trong giai đoạn trên là con số lớn nhất kể từ khi 14.286 km2 "bị xóa sổ" trong giai đoạn 2005-2006.
Đây là năm thứ ba liên tiếp tỷ lệ rừng Amazon bị phá tăng lên dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro. Tuần trước, INPE thông báo đã ghi nhận mức độ phá rừng nghiêm trọng nhất trong tháng 10 khi phần rừng mất đi lớn hơn 50% diện tích thành phố Rio de Janeiro.
Bộ trưởng Môi trường Joaquim Leite thừa nhận các số liệu trên đặt ra "một thách thức", đồng thời cam kết "hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn tội phạm môi trường". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều này "không phản ánh chính xác tình hình trong một vài tháng gần đây".
Chính phủ Brazil khẳng định đang tăng cường các nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng trái phép bằng cách triển khai thêm nhiều binh sĩ trên thực địa.
Được ví là "Lá phổi Xanh" của Trái Đất và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, song những năm gần đây, rừng Amazon bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng do nạn khai thác tài nguyên rừng cũng như các dự án phát triển.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh), Brazil cam kết sẽ chấm dứt nạn chặt phá rừng tại quốc gia Nam Mỹ này - nơi tập trung hơn 60% diện tích rừng Amazon - vào năm 2028, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra trước đó.
Theo Báo Tin tức