Cổng vòm cổ kính, nơi có minh đường dâng một miền hoa sen trắng.

Tôi muốn được cùng các bạn của mình cùng thưởng thức vẻ đẹp của hồ Điện, hồ sen hơn một mẫu, trắng thơm ngan ngát và viếng thăm Long Châu Miếu, một trong nhiều ngôi miếu cổ, chứa chở nhiều trầm tích của làng Nguyệt Biều, quê Nội của các con tôi.

Từ chợ Long Thọ cũ, theo đường đồi lên đấu trường Hổ Quyền, rồi men theo con đường xóm nho nhỏ phía tây nam thôn Trường Đá, khoảng 400m, ngước lên là thấy ngay được cổng tam quan Long Châu Miếu vời vợi màu thời gian. Nơi đây người dân xứ Huế vẫn gọi bằng cái tên gần gũi, mộc mạc: Điện Voi Ré.

Điện Voi Ré ngự trên triền đông đồi Thọ Khương (sách gọi là Thọ Cương) rộn tiếng gà gọi sáng, mát xanh bóng tre trúc trong câu ca dao xưa:

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Khương

Nơi đây con voi Ô Long trung nghĩa xưa từng đã gào lên với trời thẳm nỗi đau thống thiết, bi phẫn vì mất chủ tướng yêu quý. Tâm hồn voi không chịu được sức nặng của nỗi đau đã trở về nơi nó được nuôi dưỡng, chăm sóc mà giã từ cuộc đời, sau một cuộc chiến đầy mất mát đau thương.

Vua Gia Long (1802-1820) là người cho lập miếu thờ Long Châu Miếu. Người cho dân trồng hơn mẫu sen ở chốn này. Cõi sen trắng thơm từ thời Gia Long đến bây chừ, sau bao hưng phế, vẫn còn thơm. Đó là thức dâng của con người để dâng lên một tâm hồn, một tấm lòng trung nghĩa.

Theo người già trong làng kể, xưa, con đường lên Điện Voi Ré bắt đầu từ cầu Long Thọ, rẽ trái, vòng theo chân đồi Thọ Khương, theo hướng từ tây sang đông. Voi muốn vào thi đấu phải được đoàn Kinh Tượng cùng quan quân, dân làng rước đến hồ điện Voi Ré, uống nước trong lòng hồ, rồi mới ra đấu trường Hổ Quyền.

Ngẫm rứa, để biết thêm sự sùng kính của nhà Nguyễn đối với loài voi, biểu tượng của cái thiện, sức mạnh của chính nghĩa.

Còn bao tích xưa nữa in dấu trong ngôi làng ngát hương thanh trà, chứa chở chiều sâu văn hoá xứ đằng trong. Cứ hình dung cũng thấy miền đất Nguyệt Biều xưa, đất Bàu Trăng, từng vang bóng biết bao huyền tích thâm trầm.

Bên kia hồ sen là Thành Lồi, bởi rứa, ít có hồ sen mô mà hoa nở trắng ngát trong lặng yên dưới thung sâu như ở đây. Từ mặt hồ lên tới cổng tam quan của Điện có đến hơn mười mấy thước cao, ngôi điện thờ càng như vút lên giữa trời xanh mây trắng. Niềm thành kính, trân quý mãi còn đây, mối tình giữa loài voi có nghĩa với con người mãi còn lưu trong địa thế linh thiêng. Lưu lại chốn đây một tình yêu thương sâu nặng, một nỗi thương tâm có ý nghĩa thức tỉnh, nuôi dưỡng tâm hồn con người.

Chúng tôi cùng nhìn mãi lên những kí tự bằng chữ Hán cổ. Cố tìm hiểu, cũng chỉ biết được biết ba chữ được khảm trên cổng chính, phiên âm Hán là “Nghiễm Nhược Lâm”, còn “Nghiễm Nhược Lâm ” ý nghĩa là gì, tôi cũng chưa tìm được người để hỏi.

Chúng tôi nói với nhau về những nỗi băn khoăn, tiếc nuối vì chuyện mù chữ Hán, chữ Nôm của thế hệ mình, cũng là cách để tạ lỗi với tiền nhân, trước khi bước lên mười bảy bậc tam cấp, chạm tới cổng đền.

 - Nhất định mình phải tìm người giỏi chữ Hán để hỏi.

- Ờ ri mà cho học sinh đi thăm bằng một chuyến dã ngoại thì hay lắm nì hí!

- Ờ rứa nên con trẻ lớn lên răng mà quên cách sống nhân văn của ông bà xưa cho được.

Im lặng rất lâu.

Gió sớm thoảng đưa hương sen quyện hương đồi thơm ngát.

Chúng tôi, không ai bảo ai, cùng ngước nhìn cỏ hoang mọc phất phơ trên mái tam quan, nơi có những áng mây trắng an nhiên lơ lửng trên nền trời sâu vợi. Và, cùng nhận ra những món nợ lòng với quê hương chưa thể đền đáp hết.

Cung kính, chúng tôi cùng bước vô phía bên trong cổng sau khi quyến luyến hoài bên cổng vòm cổ kính, nơi có minh đường dâng một miền hoa sen trắng.

Bước vào sân miếu, nghe dâng một nỗi se lòng khi mắt được chạm đến bức bình phong Long Mã, la thành bằng gạch cổ đã nhiều đổ nát. Không khí tĩnh mịch, u buồn dâng lên trong màu cỏ cháy nắng. Cũng may, có đám cỏ gai dại, nở hoa màu hồng tươi như lời chào ấm áp từ trong nỗi quạnh quẽ linh thiêng của cõi Ô Long.

Để vào được chánh điện, chúng tôi đi về phía cổng vòm ở bên tả, bước lên những bậc cấp đã phủ màu mưa nắng. Đẹp cốt cách. Cùng ngồi xuống bậc cổng, khấn thầm, rồi đặt tay lên nền gạch cổ, nghe tiếng của xa xưa vọng về trên màu trầm của mưa nắng thời gian...

Chánh điện Long Châu Miếu là một ngôi nhà cổ, được xây theo kiến trúc trùng thiềm điệp ốc, 5 gian 2 chái. Mừng là miếu đã được phục chế nhưng cửa đóng then cài, vắng tanh. Được biết nơi đây thờ các vị thần bảo vệ, thờ bốn con voi dũng cảm nhất trong chiến trận được phong tặng là Đô đốc hùng Tượng Ré, Đô đốc hùng Tượng Bích, Đô đốc hùng Tượng Nhĩ, Đô hùng Tượng Bôn, nổi tiếng anh hùng của vương triều Nguyễn.

Chúng tôi chỉ dám đứng từ xa, cung kính chiêm bái.  Trong sân, hai cánh tả hữu có thờ hai Tượng, chiều kích nhỏ nhưng đẹp, uy nghiêm, u buồn. Thật thương xót khi vòi voi đã bị sứt mẻ, chưa được phục chế. Sát thềm chánh điện, còn có hai miếu phụ thờ thần bảo hộ linh hồn Voi ở hai bên tả, hữu. Hai toà Đông phối điện, Tây phối điện còn khá nguyên vẹn. Hai ô cửa sổ hình mặt trời toả nắng, trông như đôi mắt con voi chiến tình nghĩa đã đem đến cảm giác ấm áp, gần gũi, như được an ủi nơi hương khói vắng ngắt, hắt hiu.

Không ra được phía sau Châu Long Miếu, nơi có mộ voi, chúng tôi ra về mà lòng thảng thốt vì tiếng bìm bịp kêu như nốt nhạc buồn chan chứa nỗi niềm Thọ Khương. Vừa ra đến cổng, gặp ngay một người phụ nữ tuổi trung niên, chị kêu lên, giọng thảng thốt, rằng ai cho vô bên trong Điện, còn chụp ảnh nữa, chụp là chết, thiệt đó!

Một thoáng rờn rợn, nhưng chúng tôi nghĩ mình vô đây với tấm lòng thành kính thì răng mà chết được(?!). Chắc hẳn, đó là cách dệt huyền thoại trong dân gian để bảo vệ Long Châu Miếu của người làng Nguyệt Biều thôi.

...Tạm biệt Điện Voi ré, chúng tôi ra về trong bao nỗi ngẩn ngơ!

Lòng lấn bấn, ám ảnh hoài vì cònchưa hiểu biết được ý nghĩa của những con chữ trên tam quan. Tôi cố tìm cho được người uyên thâm chữ Hán để được giảng giải ý nghĩa của những kí tự trên cổng Điện Voi Ré. Sau hết, tôi có được thông tin quý báu này:

- Nghiễm Nhược: Vẻ cung kính.

 -Lâm: Đến nơi này.

Nghiễm Nhược Lâm tức là đến nơi này phải có thái độ, cử chỉ cung kính, tôn trọng.

... Ôi những con chữ chứa chan ý nghĩa nhân văn, thật gần mà xa vời vợi.

Tôi vào trang Facebook của chị Hồ thị Bẻo, người con gái họ Hồ làng Nguyệt Biều tuổi đã xấp xỉ tám mươi, đất nhà thờ dòng họ chị là do vua ban vì có công chăm sóc, quản tượng, để hỏi thêm về sự tích làng. Gặp được những câu thơ chị mới viết ngày 25/6/2021, khi vừa đi thăm Điện  Voi Ré về, lòng tôi thấy thật bình yên trong nỗi hoài cảm chứa chan:

"...Lối vào quạnh quẽ, cỏ chôn chân

Lá khô tơi tả, phủ đầy sân

Tượng hình ủ dột, vòi sứt mẻ

Thềm hoang, nhện bủa, dế buồn ngân

 

Nhớ lòng trung nghĩa, đấng anh minh

Lập điện thờ voi rạng chữ tình

Xông pha trận mạc về gục chết

Lệ buồn vương tận chốn trời xanh.

 

Trong áng mây bay lẫn bóng hình

Rờn rợn quanh đây cõi thần linh

Hương sen thơm ngát còn lưu luyến

Người đi lâu rồi... cây lặng thinh!"

 

Tôi bỗng muốn được nói với chị, người đã ngoại bảy mươi, rằng:

- Dạ chị, sự lặng thinh nơi đây là đỉnh cao của âm thanh. Chị thấy đó, cùng với hồ Tịnh Tâm, hoa sen trắng đã trở lại trong hồ Điện.

Lòng biết ơn luôn là hương thơm của tâm hồn xứ sở. Văn hoá là những gì còn lại.

Tôi mong chị được vui lên, tuổi già thường cần những niềm vui như rứa.

Vào trang facebook của em Khánh Hoà, Thanh Hà, thấy cả đoàn nam thanh nữ tú chụp hình rạng rỡ với Điện Voi Ré mà vui lên. Nhất là dòng tin trong status: "Ai chưa đến chốn đây, chưa phải là con gái nước Huệ!"

Tôi thêm vui và tin tưởng rằng: nhất định, thế hệ trẻ xứ Huế, trong đó có các con tôi, một thế hệ có học vấn, có tấm lòng yêu quý quê hương, sẽ biết cách bảo lưu, làm toả sáng những giá trị nhân văn của quê nhà.

Hẳn rứa, để mãi mãi Điện Voi Ré của làng Nguyệt Biều cũng như bao di tích quý giá của xứ Huế luôn là CHỐN SEN LÊN trong THÀNH PHỐ DI SẢN thân yêu.

Triền Thảo