Với người Huế, nước phải tràn Đập Đá thì mới tính là một cái lụt.

Rủ người bạn đi uống cà phê ngắm mưa, câu hài hước của bạn “ Trời mưa mà đi ngắm mưa, thiệt là rảnh quá đây mà”, rồi nửa giờ sau, hai đứa cùng có mặt. Nhớ có lần bạn nói “Mình mạng thủy nên thích mưa”, tôi cũng hài hước “ Mình mạng thổ cũng thích mưa, mưa tưới tắm đất đai để trồng cây cho tốt”. Mạng gì không biết, nhưng cả hai đứa đều thích mưa. Ngày chủ nhật mưa thì đội mưa mà đi, đi để ngồi thưởng thức ly cà phê nóng thơm nức trong tiếng mưa rơi đều trên mái, nhìn màn mưa bay giăng giăng trên mặt sông cũng thỏa một tuần làm việc chăm chỉ.

Từ quán cà phê nhìn qua bên sông là cồn Hến, dòng sông Hương khúc này bị cồn Hến chia đôi, lòng sông không rộng nhưng khi nước dâng cao thì chảy rất mạnh. Một vài chiếc thuyền rồng neo đậu sát bờ, xa xa có chiếc ca-nô cứu hộ cũng đang sẵn sàng. Nhìn dòng nước chảy mạnh, câu chuyện của ba chúng tôi, hai khách uống cà phê và anh chủ quán bỗng quay về những mùa lụt của Huế trước đây. Ai cũng thay nhau kể những kỷ niệm về lội lụt Đập Đá hay kể chuyện mỗi mùa lụt qua đi, dọn nhà, dọn vườn cực như thế nào. Câu chốt của người nào cũng là “cực mà vui”. Riêng anh chủ quán trầm ngâm “Lụt thì cực nhưng mà có phù sa bồi đắp ruộng vườn, cây cối tốt tươi, chứ đất vườn vài năm mà không có lụt là khô cằn liền, không nước mô mà tưới cho ngạ, phân gì cũng không thay thế được phù sa, trái cây nhỏ thấy ngay luôn”.

Cồn Hến những ngày này đang bị phong tỏa vì dịch bệnh. Từ góc ngồi của mình, chúng tôi nhìn được mặt sau của cồn Hến, vẻ im lìm của những bến sông và mấy con thuyền đang neo đậu làm ai cũng lo lắng, cầu mong bà con cồn Hến và cả Huế vượt qua thử thách này. Trường tiểu học Phú Lưu, ngôi trường tôi từng học, bây giờ trở thành điểm cách ly phòng dịch  COVID-19. Điện thoại cho người bạn nhà ở cồn Hến, tiếng bạn điềm tĩnh “Ba mạ mình và gia đình mấy đứa em đều khỏe, bình an. Bà con trong xóm, có lẽ nhờ xem ti vi, đọc báo, nghe đài, tự nâng cao kiến thức nên tinh thần phòng, chống dịch cũng sẵn sàng, cũng đã qua những hoảng loạn ban đầu”. Đã từng đi học, đi chơi, đi ăn cơm hến, chè bắp, bánh bèo nậm lọc ở cồn Hến, tôi biết bà con ở đây đa phần đều là lao động chân tay, thu nhập bấp bênh nên nhữngngày phong tỏa này sẽ gặp nhiều khó khăn, lòng cũng ấm áp phần nào khi bạn cho biết “ bà con nghèo ở cồn Hến cũng đã nhận được hàng tiếp tế từ người thân và các nhóm từ thiện ở bên ngoài, bây giờ quan trọng là chống dịch thôi”.

Những cơn gió lạnh từ mặt sông thổi lên làm tôi bỗng nhớ về những cánh đồng mía ở làng Hà Cảng. Mùa mưa lạnh về cũng là mùa cây mía trữ đường, tăng độ ngọt để chuẩn bị cho vụ mía vào dịp tháng Chạp. Cầu mong năm nay ruộng mía tươi tốt, ngọt ngào đáp công người chăm bón nhưng cuộc điện thoại về cho người bà con ở Hà Cảng làm lòng tôi chùng xuống “Năm ngoái mấy trận lụt làm nhiều vườn mía chết, mất hết cả giống con ơi, năm ni nhà chú chỉ trồng bằng một phần ba năm ngoái. Lụt thì có phù sa mà cũng thiệt hại, được cái này thì mất cái nọ”.

Tháng này Huế mưa, tháng nông nhàn nhưng cũng là mùa trồng hoa tết. Dịch bệnh vẫn còn nhưng người làm nghề không vì thế mà quên lời hẹn tết. Nghề nào cũng phải lo, cũng phải làm. Bạn cũng là người mê hoa. Hoa lan, hoa hồng, hoa tử vi, loài nào có trong quán là bạn trò chuyện sôi nổi. Cuộc sống nhiều khi không thật dễ dàng gì, với bạn - một giáo viên mầm non cũng thế, nhưng bạn đã biết vượt qua những thiếu thốn, sắp xếp công việc nhà để chăm những chậu hoa trên sân, tưới những thùng xốp trồng rau sạch, vừa thư giãn vừa có rau xanh cho cả nhà, có hoa để ngắm. Tôi nhìn màn nước mưa mỏng trên giò lan hoa vàng, thầm cảm ơn màu hoa tươi sáng đã làm cho bầu trời bớt đi vẻ ảm đạm. Cuộc sống, khó khăn rồi cũng sẽ qua, hiện tại phải biết cố gắng, đó mới là điều quan trọng.

Mưa Huế thường kéo dài nhiều ngày, người Huế quen với thời tiết xứ mình nên mưa đôi khi trở thành câu chào hỏi. Cái đọng lại sau cùng trong những câu chuyện ngày mưa, mà như tôi biết, là lòng ai cũng ấm, vì mình còn có bạn bè, còn có những giây phút bên nhau cùng kể chuyện đời sống. Mà nghĩ cho cùng, đời sống là như thế.

Xuân An