Tiêm phòng cho người dân Hương Thủy. Ảnh: Đồng Văn

 

Theo thống kê Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Việt Nam cho thấy, những trường hợp tử vong COVID-19 hầu hết là người lớn tuổi, có bệnh lý nền. Thực tế cho thấy người đã chích 2 mũi vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh, tử vong. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch khuyến cáo cộng đồng tuyệt đối không được chủ quan.

Theo Bộ Y tế những người mắc đái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; ung thư, đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi; bệnh thận mạn tính; béo phì, thừa cân,... sẽ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19.

Tại Quyết định hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế ban hành danh mục các bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19. Theo đó, cụ thể có những bệnh sau:

- Đái tháo đường.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác.

- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).

- Bệnh thận mạn tính.

- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

- Béo phì, thừa cân.

- Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim).

- Bệnh lý mạch máu não.

- Hội chứng Down.

- HIV/AIDS.

- Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ).

- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác.

- Hen phế quản.

- Tăng huyết áp.

- Thiếu hụt miễn dịch.

- Bệnh gan.

- Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện.

- Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

- Các bệnh hệ thống.

- Bệnh lý khác đối với trẻ em: tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.

- Người cao tuổi.

- Phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng những đối tượng nêu trên khi tiêm chủng đúng – đủ 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn có tỷ lệ nặng, nguy kịch và tử vong khi nhiễm COVID-19.

Vaccine COVID-19 hay bất kỳ loại vaccine nào khác chỉ làm giảm khả năng mắc bệnh và chuyển nặng. Khi mắc, bệnh nhân vẫn có khả năng chuyển nặng và tử vong. Khi so sánh, người đã tiêm đủ vaccine COVID-19 thì tỷ lệ chuyển nặng, tử vong sẽ thấp hơn. Điều đó không đồng nghĩa việc đã tiêm vaccine là không mắc bệnh và không tử vong.

Do vậy, chúng ta cần ngăn chặn chuyển nặng đối với nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền. Trong đó, những người chưa tiêm vaccine COVID-19 cần được quan tâm đặc biệt.

Cần lưu ý các đối tượng thanh niên, người trẻ tuổi cần thận trọng, đặc biệt là họ có thể mắc COVID-19 và mang mầm bệnh về cho người thân, nhất là người lớn tuổi, nằm một chỗ, chưa tiêm vaccine.

Đối với bệnh nhân béo phì, theo các chuyên gia, phổi của người bệnh COVID-19 hoạt động rất kém, nếu phải phục vụ lượng oxy lớn cho những bệnh nhân có thể trạng béo phì thì rất khó khăn. Vì vậy, bệnh nhân dễ gặp tình trạng thiếu oxy so với những người bình thường. COVID-19 gây ra tình trạng huyết khối đông máu nội mạch lan tỏa, đặc biệt là khối mạch máu ở phổi làm cho tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh, trong khi người béo phì oxy cần nhiều, vì phổi đang tổn thương nên dẫn đến tình trạng chuyển nặng nhanh chóng. Người béo phì cũng dễ bị tăng đông máu gấp 2 lần người bình thường, bởi béo phì và COVID-19 đều có nguy cơ tăng đông máu, bệnh nhân dễ tử vong.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, thường dễ xuất hiện các tổn thương mạch máu nhỏ. Bệnh lý tăng đông COVID-19 kết hợp với mạch máu nhỏ sẽ gây thuyên tắc mạch máu, tăng khả năng nhiễm trùng cũng rất lớn.

Đối với những bệnh nhân nhiễm khuẩn, nguy cơ nguy kịch rất cao, do tình trạng vi khuẩn gia tăng kháng sinh cộng với nhiễm trùng bệnh viện, tỷ lệ tử vong gấp nhiều lần so với người bệnh bình thường.

Đối với các bệnh nền khác cũng tương tự. Vì vậy, ban chỉ đạo phòng, chống dịch khuyến cáo, cộng đồng không nên quá hoang mang, lo lắng bởi khi đã tiêm đủ vaccine thì nguy cơ tử vong, bệnh nặng đều giảm hẳn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với cách hiểu sai lầm rằng, đã tiêm đủ vaccine sẽ không mắc bệnh và mắc bệnh cũng nguy hiểm đến tính mạng, bởi dù tỷ lệ tử vong rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Do đó, người đã tiêm đủ vaccine tuyệt đối không được chủ quan mà vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo 5K.

TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng