Cải cách hành chính được xác định vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phòng ngừa và hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy chính quyền các cấp. Đây cũng là yêu cầu bức thiết trong quá trình hội nhập, phát triển của đất nước. Trong những năm qua, tỉnh có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, từ cải cách thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; hiện đại hoá hành chính Nhà nước... Tại các địa phương, các ngành đều thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Tỉnh công khai gần 3 nghìn thủ tục hành chính công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 51 về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức...

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống luôn vận động và phát sinh những vấn đề mới, đòi hỏi thủ tục hành chính cần có những điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, ở một số nơi, người thực thi chưa xứng “tầm” và thiếu “tâm” trong giải quyết công việc, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, các tổ chức khi đến giao dịch. Vì vậy, việc lấy ý kiến mức độ hài lòng của người dân và các tổ chức đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan hành chính trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông là giải pháp tích cực, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân phát huy vai trò giám sát và tham gia vào công tác cải cách hành chính. Qua đó, giúp các cơ quan hành chính Nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của tổ chức, cá nhân để có những giải pháp cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công và nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo quy định vừa được ban hành, hình thức lấy ý kiến khá đa dạng và thuận lợi, như lấy ý kiến trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; gửi phiếu lấy ý kiến (qua đường bưu điện hoặc hình thức khác); trực tuyến quan hệ thống trực tuyến (trên môi trường mạng); các hình thức phù hợp khác. Để việc lấy ý kiến đạt hiệu quả cao, điều quan trọng nhất, cần cụ thể hoá các tiêu chí, câu hỏi điều tra sát với từng ngành, từng lĩnh vực người dân mới dễ dàng góp ý. Đồng thời, để khuyến khích, động viên người dân tham gia góp ý kiến, cần có sự hồi âm kịp thời với các ý kiến đóng góp, cũng như kết quả xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm. Chỉ khi đó, việc lấy ý kiến đóng góp của người dân mới thực sự có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực.
Hoàng Giang