Gạo Thiên Phú

Có lẽ vì hiếm hoi như vậy nên xứ Huế đã dâng hiến cho đời câu ca thơm thảo tình mẫu tử: Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi/Gạo de An cựu để nuôi mẹ già.

Vì yêu đặc sản quê nhà mà trong cuộc trò chuyện, Phó Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế (viết tắt Công ty VTNN) - Trần Đức Tôn, đã không ngại quả quyết, gạo Thiên Phú của DN này liên kết sản xuất ở Phong Điền cũng có những điểm tương đồng với gạo de An Cựu! Và để chứng minh, anh đã biếu tôi mấy cân. Đó là gạo mang tên Thiên Phú, hạt trắng và dài. Vì là gạo mộc nên khi nấu, cơm chỉ tỏa mùi thơm dịu nhẹ.

Dùng thử, cơm dẻo và mềm, để nguội không cứng như các loại gạo mà nông dân quê mình đang canh tác.

Và xin nói ngay, giống gạo ngon này không phải do Công ty VTNN tạo ra mà thuần túy chỉ là thành quả của cả quá trình tiếp nhận, chăm bẵm gieo trồng theo đúng quy trình chuyển giao trên vùng đất mới. Và 2021 sẽ là năm đánh dấu giống lúa trứ danh ST24 hiện diện ở quê nhà, không chỉ trồng thử nghiệm vài ba ha để "ăn chơi” mà nay mai có thể trở thành hàng hóa!

Kể từ khi miền Nam nhập giống của Viện Lúa quốc tế - IRRI cho đến khi ngành nông nghiệp nước ta lai tạo và cho ra nhiều loại giống lúa mới, thú thật khi bưng bát cơm, tôi không biết là mình đang dùng loại gạo nào. Mãi đến cuối năm 2019, tôi ngỡ ngàng khi biết, ST25 được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới”!

Không phải đợi đến khi ST25 được vinh danh mà trước đó, năm 2018, Công ty VTNN đã ký hợp đồng với DN của Kỹ sư Hồ Quang Cua để đưa giống lúa ST24 về quê nhà và cho trồng thử nghiệm ở các HTXNN: Mai Phước, Phú Thanh (Quảng Điền) và Trạch Phổ ( Phong Điền).

Thực tế cho thấy, nhờ chịu được mặn cũng như chua phèn và ít ngã đổ, thời gian sinh trưởng phù hợp với 2 vụ sản xuất chính nên vụ đông xuân 2020-2021, HTXNN Trạch Phổ đã liên kết với Công ty VTNN trồng 40ha giống lúa ST24.

Có thể nhờ lượng phù sa của dòng Ô Lâu bồi lắng, tiết trời khá thuận và chăm sóc đúng quy trình giao kết nên vụ hè thu 2021 năng suất bình quân ở HTXNN Trạch Phổ khá cao: 7 tấn/ha!

Phó Giám đốc HTXNN Trạch Phổ - Nguyễn Văn Đeo hồ hởi: Bà con chúng tôi mừng không chỉ lúa bán được giá cao (7.100 đồng/kg lúa tươi) mà vui hơn là được bán lúa tại đồng nên đỡ tốn công vận chuyển, phơi phóng.

Để giảm bớt nỗi lo cho bà con nông dân sau thu hoạch và cũng là nhằm đảm bảo phẩm chất hạt gạo của mình, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, ngay từ đầu Công ty VTNN đã quyết định đầu tư nhà máy chế biến khá đồng bộ mang tên Green 6 đặt tại KM 27 thị trấn Phong Điền thuộc vào hạng tân tiến nhất ở khu vực miền Trung. Ở nhà máy này, bên cạnh hệ thống xay xát có công suất 10 tấn/giờ còn có hệ thống sấy lúa khá lớn, có công suất 350 tấn/ngày.

"Biết là tốn kém, nhưng vì sự phát triển bền vững nên công ty chúng tôi đã đồng lòng đầu tư, bởi khi kinh doanh thì yêu cầu cao nhất là sản phẩm mình tạo ra phẩm chất phải ổn định, do vậy đầu tư cho hệ thống sấy là bắt buộc, vì nằm trong dây chuyền khép kín của “đầu vào - sản xuất - đầu ra”, Trần Đức Tôn thông tin.

Từ chỉ vài điểm ban đầu, vụ đông xuân 2021-2022, Công ty VTNN ký hợp đồng liên kết sản xuất với các HTXNN: Trạch Phổ,Vân Trình, Gia Viên (Phong Điền); Hương Toàn (Hương Trà); Phú Dương và Hương Phong (Huế). Trong 600ha mà Công ty TVNN liên kết chỉ có 150ha được gieo trồng bằng giống ST24 và bắt đầu thử nghiệm giống ST25.

Để tạo ra chuỗi giá trị với một quy trình khép kín đạt chuẩn VietGAP, được sự trợ giúp của Trường đại học Nông Lâm Huế, rồi đây xã viên của các đơn vị liên kết sẽ được tập huấn quy trình sản xuất tiên tiến nhằm tạo ra hạt lúa đồng đều có phẩm chất cao, tạo đà để tiến tới tạo lập thương hiệu mơ ước “Vua Ngự” - dòng gạo cao cấp để cung ứng cho thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu, mà theo Phó giám đốc Trần Đức Tôn, dự kiến năm 2023, Công ty VTNN sẽ nâng diện tích gieo trồng giống lúa ST24, 25 lên 2.300ha...

Phạm Hữu Thu