Thừa Thiên Huế đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt hệ thống Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Phong
Tạo môi trường văn hóa lành mạnh
Các tham luận đến từ lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương; các tri thức, nhà khoa học; nhà nghiên cứu; giới văn nghệ sĩ đã làm rõ hơn những kết quả đã đạt được về văn hóa, nhất là cụ thể hóa vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mục tiêu cuối cùng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu có bài tham luận quan trọng trình bày tại hội nghị với chủ đề: “Thừa Thiên Huế gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập” và khẳng định, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra mục tiêu quan trọng: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đó cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa để đưa Thừa Thiên Huế phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Theo GS. TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: “Giá trị của văn hóa cũng chính là giá trị của con người. Vì vậy, cần phải nhìn nhận giá trị thực của con người. Thực tế cho thấy, có một số cán bộ bị tha hóa về văn hóa, nhất là trong thời kỳ đổi mới, phát triển như hiện nay. Sự buông lỏng giá trị văn hóa gia đình cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tha hóa về văn hóa, mất đi giá trị của con người, cản trở phát triển của xã hội.
Từ sự nhìn nhận đó, GS. TS Lê Hồng Lý cho rằng, cần phải tạo môi trường văn hóa lành mạnh mà môi trường đầu tiên là gia đình. Hun đúc văn hóa trong từng con người để họ không bị lôi kéo trước cám dỗ của xã hội. Những vụ án chống tham nhũng gần đây đã làm nức lòng nhân dân, thể hiện sự thượng tôn của pháp luật. Vì vậy, cần đề cao thượng tôn pháp luật để tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Văn hóa làm gương của người đứng đầu cũng cần phải đặc biệt quan tâm. Cơ chế chính sách phù hợp với lòng người thì sẽ khơi dậy được văn hóa trong từng con người.
PGS. TS. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam chỉ rõ: “Chúng ta tiếp thu văn hóa bên ngoài có lúc bị sa đà, khiến môi trường văn hóa nước ta bị "xâm thực", kéo theo sa đà văn hóa con người. Vì vậy, cần có nghị quyết chuyên đề về phát triển văn học nghệ thuật; có chiến lược phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam trong tình hình mới; cơ chế đầu tư, phát triển nguồn lực; bồi dưỡng năng khiếu, trân trọng tài năng.
Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất: “Gia đình Việt Nam đóng vai trò quan trọng trọng việc hướng con người đến “chân, thiện, mỹ”. Hạt nhân của xã hội chính là gia đình. Hiện nay, việc giáo dục con cái ở các gia đình còn yếu. Điều này, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ em. Thưc tế, lối sống thờ ơ, vô cảm với gia đình đã xảy ra. Vì vậy, cần xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình mới bằng cách hoàn thiện hệ thống xây dựng gia đình trong tình hình mới; đổi mới giáo dục gia đình, tạo động lực phát triển đất nước. Nâng cao trách nhiệm, cá nhân về gia đình. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là “tổ ấm” con người”.
Văn hóa Huế được gìn giữ từ những nếp nhà và trang phục truyền thống. Ảnh: H.Lê
Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, văn hóa còn là dân tộc còn. Văn hóa mất là dân tộc mất. Văn hóa là phạm trù rộng, phong phú, đa dạng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Văn hóa trở thành động lực quan trọng trong hành trình bảo vệ, xây dựng và phát triển của đất nước. Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn lại sự yếu kém, tồn tại của văn hóa. Chính sự yếu kém đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, đứng trước thời cơ, thách thức, chúng ta phải tiếp tục xây dựng văn hóa; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng toàn dân tộc, thực hiện thành công phát triển đất nước; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, kết hợp giá trị truyền thống với thời đại; phát triển toàn diện đồng bộ văn hóa, nâng cao chất lượng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hạnh phúc, khát vọng; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; chú trọng xây dựng Đảng về chính trị về đạo đức, phát huy vai trò nêu gương; làm cho văn hóa thích nghi với nền công nghiệp lần thứ 4.
Giải pháp đặt ra là, tiếp tục nâng cao nhận thức về lĩnh vực văn hóa; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về văn hóa; khắc phục tư tưởng chú trọng kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa; sớm khắc phục tình trạng chậm phát triển thể chế văn hóa; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Kết luận bế mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khái quát lại những vấn đề mà văn hóa đã đạt được với quan điểm, phải thẳng thắn nhìn nhận sự bất cập hiện nay của văn hóa, nhất là về nhận thức để chấn hứng nên văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay chính bằng những chương trình, hành động cụ thể.
Anh Phong