Lấy mẫu xét nghiệm ở khu cách ly Hương Sơ. Ảnh: THANH THẢO
Xác định ca mắc mới và địa bàn cần giám sát
Theo tôi, khi có ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát) hoặc ca F0 (ca bệnh xác định), cần kiểm soát ngay, không di chuyển, hoặc di chuyển bằng xe chuyên dụng, đảm bảo 5K với người này. Đồng thời, nhanh chóng truy vết (tuy nhiên kết quả có thể bị hạn chế vì thời gian 2-3 ngày hoặc dài hơn trước đó người ta không thể nhớ đầy đủ và cụ thể được. Cho xét nghiệm khẳng định và công bố kết quả chẩn đoán sớm nhất có thể.
Tiếp theo phải thực hiện đánh giá nguy cơ ngay với những người tiếp xúc và khu vực để có các biện pháp hợp lý sớm nhất. Tránh phong tỏa rộng không cần thiết, nhưng không được bỏ sót, tránh xét nghiệm quá rộng làm lãng phí và tăng nguy cơ lây nhiễm… Thực tế, các ca nhiễm trong cộng đồng và các ca nhiễm đến các cơ sở khám chữa bệnh đều được phát hiện qua phân luồng, sàng lọc, cách ly hoặc khu phong tỏa khi có yếu tố dịch tễ hay triệu chứng lâm sàng liên quan đến nhiễm trùng hô hấp… Vì vậy, nguy cơ tạo ra các F1, F2… như quy định cũ là rất lớn, tạo áp lực cho cả người dân và cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung và điều trị F0. Vì vậy, hãy thực hiện việc kiểm soát dịch tễ bằng phương án tương tự như hướng dẫn của Bộ Y tế đối với nhân viên y tế tại Quyết định 4158/2021/QĐ-BYT. Theo tôi, các ca nhiễm cộng đồng hay các F0 có liên quan khi xác định nguy cơ lây nhiễm cần đánh giá cụ thể cho một cụm dân cư, một đơn vị, một lớp học, một phòng làm việc… Cụ thể, có thể xếp làm 4 nhóm:
Nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao: Tiếp xúc người nhiễm khi cả 2 không đeo khẩu trang, tiếp xúc gần (<2m), có bắt tay hay va chạm, không vệ sinh tay, thời gian tiếp xúc dài >15 phút. Nhóm này cần phải cách ly tập trung và thực hiện việc kiểm tra y tế, xét nghiệm như quy định. Nếu những người của nhóm này đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa COVID-19 thì giảm xuống mức nguy cơ trung bình (trừ những người có bệnh nền nặng).
- Nhóm có nguy cơ lây nhiễm trung bình: Tiếp xúc gần (<2m) khi 1 trong 2 không đeo khẩu trang, thời gian tiếp xúc ngắn.
- Nhóm có nguy cơ lây nhiễm thấp: Có tiếp xúc khoảng cách khoảng 2m, cả 2 đều đeo khẩu trang, thời gian tiếp xúc ngắn khoảng đến 5 phút.
- Nhóm không có nguy cơ lây nhiễm là nhóm không tiếp xúc, nếu có tiếp xúc thì khoảng cách xa trên 2m, cả 2 đều đeo khẩu trang, thời gian tiếp xúc ngắn khoảng dưới 2 phút.
Những việc phải làm đúng
Việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ đối với nhóm nguy cơ lây nhiễm trung bình cần được thực hiện tại nơi giám sát y tế (tại nhà, nơi lưu trú), không để họ di chuyển hoặc tập trung lấy mẫu tại trạm y tế phường, xã (hiện nay đang làm với các F2, F3 của các địa bàn). Việc tập trung như vậy làm thay đổi hoàn toàn yếu tố dịch tễ và tăng nguy cơ lây nhiễm rộng cho cộng đồng.
Giám sát quá trình và điều kiện với nhóm cách ly tại nhà, nơi lưu trú, cần lưu ý chấp hành cách ly đúng theo quy định, tốt nhất cách ly ở phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người bệnh được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m. Phòng cách ly nên bảo đảm thông thoáng khí, thường xuyên vệ sinh, hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng như khuyến cáo của Bộ Y tế. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các thành viên trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác. Tự theo dõi sức khoẻ, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Hằng ngày, thông báo cho cán bộ y tế phường, xã, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần vào sáng, chiều về kết quả nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. Báo ngay cho các bộ y tế phường, xã, thị trấn được phân công theo dõi khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở. Những người cách ly không được tự ý ra khỏi nhà, nơi lưu trú. Người cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng, bỏ vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly; người đang giám sát y tế tại nhà không ăn cùng với người khác trong gia đình, nơi lưu trú…
Nhiều hướng dẫn, quy định trước đây trong một thời gian dài đã phát huy hiệu quả khá tốt khi số ca mắc ít, số ca mắc cộng đồng thấp, dịch bệnh chỉ khu trú ở một số ít địa phương hay địa bàn, còn khả năng cách ly tập trung hay đủ năng lực thu dung ca bệnh…Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca cộng đồng nhiều, số ca nặng và tử vong nhiều, đặc biệt khi thông điệp 5K được người dân tự giác chấp hành ở tỷ lệ cao, mức độ bao phủ tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ cao vượt quá 60-70%, thậm chí người trẻ từ 12-17 tuổi cũng đã được tiêm chủng … thì những quy định cũ bộc lộ nhiều bất cập, có thể không còn phù hợp với thực tế diễn biến bệnh dịch, chúng ta cần mạnh dạn thay đổi và tuân thủ hợp lý, nếu không việc kiểm soát có khi không hiệu quả.
PGS.TS. Trần Đình Bình