Các di tích lịch sử, văn hóa luôn thu hút khách tham quan (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: NGUYỄN PHONG
Tăng nguồn lực để đầu tư cho phát triển
Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Phương cho biết, việc Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thực sự là niềm vui lớn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng Chương trình hành động, cùng Kế hoạch triển khai chi tiết trên cơ sở tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển bền vững. Trong bối cảnh khó khăn với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tại 6 cơ chế, chính sách đặc thù được thông qua lần này, tỉnh sẽ tận dụng và ưu tiên phát triển các cơ chế thuộc nhóm quản lý tài chính ngân sách, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trước tiên là mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Hiện nay, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương đang thực hiện không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp (trần vay tối đa 1.293 tỷ đồng/năm tính theo ngân sách tỉnh hưởng theo phân cấp năm 2019). Tính đến ngày 31/12/2020, hạn mức dư nợ vay cho phép còn lại là 99,3 tỷ đồng, tương ứng 1,5%.
“Khi áp dụng cơ chế này mức dư nợ vay tối đa là 40% (tức là trần vay khoảng 2.587 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.300) sẽ giúp địa phương đảm bảo trần vay nợ để thực hiện huy động các nguồn lực ODA, nguồn vay hợp pháp để triển khai các dự án đã và đang thực hiện; chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công”- Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.
Về áp dụng cơ chế tỉnh được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết. Áp dụng chính sách trên, dự kiến số kinh phí tăng thêm của tỉnh khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Tỉnh được hưởng cơ chế: hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán
Việc hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thừa Thiên Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.
Việc áp dụng cơ chế ngân sách tỉnh được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất khi sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.
“Phần kinh phí tăng thêm sẽ tạo điều kiện để tỉnh tăng định mức chi các sự nghiệp: Giáo dục đào tạo; y tế; văn hóa và thông tin; khoa học và công nghệ; sự nghiệp bảo vệ môi trường và sự nghiệp kinh tế khác nhằm đảm bảo nguồn lực cho địa phương xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định.
Cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, nhóm cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa là quan trọng, hết sức cấp thiết và có ý nghĩa với tỉnh trong bối cảnh hiện nay. Bởi, đang lưu giữ hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng về vật thể và phi vật thể, có gần 1.000 di tích được kiểm kê, lập hồ sơ với nhiều loại hình khác nhau. Đến nay, tỉnh đã có 7 di sản văn hóa gắn liền với vùng đất Huế và triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó nhiều công trình cần phải trùng tu và bảo tồn khẩn cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, các di tích đã được xếp hạng ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế; nhu cầu của giai đoạn 2021 - 2025 là 9.240 tỷ đồng nhưng kế hoạch đầu tư công đã được Quốc hội thông qua chỉ 2.146 tỷ đồng (chiếm 23,22%), chưa đáp ứng được nhu cầu trùng tu, tôn tạo các di tích, di sản trên địa bàn.
Do đó, việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế - Quỹ quốc gia được Chính phủ cho phép thành lập và giao cho tỉnh trực tiếp quản lý có ý nghĩa hết sức quan trọng với tỉnh trong việc huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn. Với nguồn quỹ này, tỉnh sẽ thực hiện tu bổ, tôn tạo và phục hồi các dự án di sản văn hóa Huế do nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh một cách chủ động, kịp thời, không theo niên độ tài chính do xuống cấp nghiêm trọng.
“Các cơ, chế chính sách được Quốc hội thông qua thực sự chỉ phát huy hiệu quả khi có được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ chính quyền đến người dân và doanh nghiệp; cùng với những nỗ lực mạnh mẽ trong tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng và đẩy mạnh các gói kích cầu du lịch, tận dụng tối đa nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quan trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Thái Bình