Thủ tướng Campuchia kêu gọi tăng cường hợp tác Á - Âu. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Thủ tướng Hun Sen, thế giới đang đối mặt với một số thách thức như: sự sụt giảm giá trị toàn cầu và chuỗi sản xuất, sự xuất hiện của hệ thống quốc tế đa cực và căng thẳng địa chính trị, sự gia tăng bất bình đẳng xã hội và nghèo đói, chiến tranh công nghệ… và các mối đe dọa ngày càng nguy hiểm do biến đổi khí hậu gây ra.
“Chúng ta đều biết rất rõ rằng hợp tác Á - Âu góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ giao lưu nhân dân và kinh tế vì sự phát triển chung. Đồng thời, sự hợp tác này vẫn còn nhiều tiềm năng mà chúng ta cần nắm bắt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các nước châu Á - châu Âu”, nhà lãnh đạo Campuchia cho biết.
Rõ ràng, thương mại quốc tế là đầu tàu quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Do đó, với xu hướng đổi mới trong thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, cả hai khu vực cần quan tâm hơn đến việc hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương. Đồng thời, Thủ tướng Hun Sen cũng cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị phải chú trọng nhiều hơn đến “việc dỡ bỏ các rào cản thương mại và đầu tư để nắm bắt tiềm năng của hợp tác thương mại Á - Âu”, nhằm thúc đẩy “tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại”.
Anthony Galliano, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tài chính Campuchia Investment Management Co Ltd cho biết, mặc dù Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia, nhưng thương mại hàng hóa giữa hai bên chỉ đạt 4,8 tỷ USD.
Đối với các quốc gia riêng lẻ, Mỹ (chiếm 30,1%), Singapore (14,8%), Trung Quốc (6,1%) và Nhật Bản (6%) lần lượt là những đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.
Theo Phnomphenh Post, các nước Á-Âu chiếm khoảng 65% nền kinh tế toàn cầu và khoảng 55% thương mại toàn cầu. Trong khi đó, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong năm 2018, chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm đó.
Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC), hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Campuchia (95,7%) vào thị trường EU đều được hưởng các ưu đãi thuế quan theo thoả thuận “Mọi thứ trừ vũ khí”(EBA) – một chương trình ưu đãi cho các nước kém phát triển. Nhìn chung, Campuchia là nước sử dụng ưu đãi EBA lớn thứ hai, chỉ sau Bangladesh.
Tuy nhiên, vào ngày 12/8 năm ngoái, EC đã rút một phần chương trình EBA khỏi Campuchia. Việc này ảnh hưởng đến 1/5 tổng lượng xuất khẩu hàng năm của nước này sang thị trường EU, tương đương với khoảng 1 tỷ Euro.
Theo lời Thủ tướng Hun Sen, cuộc khủng hoảng COVID-19 dự kiến sẽ lắng xuống trong thời gian tới; do vậy, việc thúc đẩy bình thường hoá dòng chảy thương mại, kinh doanh và đầu tư tương ứng với xu hướng toàn cầu mới là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách để vực dậy và nâng cao sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước Á - Âu thời hậu COVID-19.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Phnomphenh Post)