Nhạc sĩ Phạm Duy

Trưa 26/11, ngôi nhà nhỏ của TS. Thái Kim Lan ở đường Bạch Đằng (TP Huế)diễn ra một sự kiện đặc biệt: chào đón sự ghé thăm NS Phạm Duy. Trong lúc chờ đợi, các cựu nữ sinh Đồng Khánh - bạn của chủ nhân – xúng xính trong tà áo dài, vừa làm bánh, vừa cất lên những bài tình ca quen thuộc của Phạm Duy. Ngôi nhà như rộn lên với tiếng nói, tiếng cười, tiếng đàn, tiếng hát… NS đến trong tiếng chào thân tình, cái xiết tay nồng ấm, câu chuyện rôm rả. Những món ăn Huế như: bánh bèo, nậm, lọc, bún bò, xôi… do chủ nhân và những người bạn của mình chế biến càng làm buổi gặp gỡ thêm nồng phong vị Huế. Khách cứ tấm tắc tài nữ công gia chánh của các cô gái Huế xưa...

Ở tuổi 90, “người nhạc sĩ của tình ca” này trông vẫn khỏe mạnh, yêu đời. Vẻ như, dù tóc có trắng như tuyết, da có nhăn thì tình yêu vẫn nồng nàn trong tâm hồn ông: yêu đời, yêu quê hương và yêu âm nhạc. NS tâm sự: “Tôi ý thức rằng, mình là ca nhân thì phải diễn tả cái vui, cái buồn của quê hương. Những năm tháng ly hương, tôi luôn hướng về quê với nỗi nhớ khôn nguôi. Tôi đã viết về quê hương với tình yêu da diết”.

Có lẽ vì thế nên nhạc của ông luôn có sức hút đặc biệt với công chúng, đặc biệt là lớp khán giả trung niên. Với nhóm cựu nữ sinh Đồng Khánh này, họ có một tình yêu đặc biệt với nhạc Phạm Duy, bởi tuổi trẻ của họ đã gắn với những bài tình ca lãng mạn, những giai điệu mượt mà, đậm chất dân ca của ông. Được gặp, được hát cho ông nghe là một niềm ao ước của họ. Gian phòng như lặng đi trong tiếng hát thánh thót, vút cao của các cựu nữ sinh Đồng Khánh. Mấy mươi năm về trước, họ đã từng hát nhạc của ông khi còn là những thiếu nữ đôi mươi. Nay, có người đã lên chức bà nội, bà ngoại nhưng họ vẫn hát say sưa, trong trẻo như thuở nào, vẫn luyến láy nhả chữ một cách điệu nghệ. Dường như, trong giọng hát ấy, không tồn tại những “dấu tích” của tuổi tác. Cứ thế, mọi người như bay bổng trong những tình ca bất hủ của Phạm Duy. Những bài ca quen thuộc và đi vào lòng người của nhiều thế hệ, như: Đưa em tìm động hoa vàng, Tiếng sáo Thiên Thai, Ngậm ngùi, Chiều về trên sông… làm người nghe xao xuyến bởi giai điệu da diết, đầy chất trữ tình. NS cũng xúc động, lẩm nhẩm hát theo…
 
Ngồi giữa những người mến mộ mình, được nghe họ hát với tất cả tình cảm mến thương, NS Phạm Duy tỏ ra rất hạnh phúc và cởi mở chia sẻ cảm xúc khi được sống trên mảnh đất máu thịt, về những gì đã, đang và sẽ làm trong âm nhạc. NS xúc động tâm sự rằng, được trở về, giấc mơ của ông đã thành sự thật. Được sống những năm cuối đời trên quê hương, gặp lại mọi người, được nghe chính những ca sĩ thế hệ sau trình bày các tác phẩm của mình là một niềm hạnh phúc lớn lao đối với bản thân ông: “Được trở về quê hương, gặp lại ngườit hân, bạn bè, được giao lưu với những thế hệ sau, tôi như được sống lại thời son trẻ. Giờ tôi thấy mãn nguyện lắm, bởi tôi là người may mắn, khi ở tuổi này vẫn sáng tác, vẫn có thể nắm bắt mọi xúc cảm của con người để cho ra đời những bài ca về tình yêu”, NS bộc bạch.
 

Nhóm cựu nữ sinh Đồng Khánh đang hát ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy

Với Huế, NS Phạm Duy không phải là khách lạ. Nhà văn Bửu Ý kể rằng, trước năm 1975, NS đã có thời gian sống, gắn bó và chơi thân với một số văn nghệ sĩ ở Huế như Vĩnh Phan, Ưng Lan, Châu Kỳ... Huế trong ông chất đầy kỷ niệm. Đã không biết bao lần ông từng chèo thuyền trên sông Hương để tận hưởng thú vui bồng bềnh trên sông nước. Lần này cũng là một kỷ niệm khó quên với ông và cả những người trong gian phòng này. Ông Lê Hữu Lập, giáo viên dạy văn Trường THCS Chu Văn An xúc động: “Từ nhỏ, nhạc Phạm Duy để lại nhiều ấn tượng trong tôi, bởi nhạc của ông tinh tế, sâu sắc và đậm chất dân tộc. Đó chính là chiếc cầu nối đưa tôi đến với âm nhạc. Những bài du ca, những bài đồng dao, những bài hát về tình yêu luôn làm rung động lòng người. Được gặp ông lần này là một kỷ niệm khó quên”. Còn với TS. Thái Kim Lan, nhạc Phạm Duy là một phần ký ức: “Khi còn là nữ sinh trung học, thế hệ của tôi đã từng “say đắm” với nhạc Phạm Duy. Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, chúng tôi vẫn hát nhạc của ông trong tâm trạng rất trẻ, như khi còn 20. Sôi nổi, hoài niệm nhưng không bi quan mà là làm sống lại nhịp đời cũ. Cũng như Phạm Duy, dù đã 90 tuổi nhưng những sáng tác của ông luôn có sức mạnh của tình yêu, của đam mê và khát vọng”.
 
Cảm động trước tình cảm của mọi người, ông ngồi lại lâu hơn dự định. Không hát được, ông “đọc” bài hát mới sáng tác tặng mọi người rồi xin tạm biệt để về khách sạn chuẩn bị cho buổi giới thiệu CD. Dù ngắn ngủi, những người có mặt trong buổi giao lưu ấy đã được sống trong không khí thú vị. Và, dư âm của sự đồng cảm âm nhạc sẽ là món ăn tinh thần quý giá với họ… Giữa trưa, mọi người vẫn say sưa hát. Tiếng hát ấy như vang vọng, quấn quýt bước chân người nhạc sĩ già…
 
 NS Phạm Duy từng kể rằng, một ngày mùa xuân năm 1944, ngay trong đêm đầu tiên vừa đến Huế, ông đã xuống bến để hưởng cái thú nằm trong khoang thuyền nghe ca Huế thâu đêm suốt sáng. Với ông, cảm giác lâng lâng khi được tiếng đàn của Vĩnh Phan, giọng ca của Bích Liễu (vợ Vĩnh Phan), Minh Mẫn rót ngay vào tai mình những hò Mái nhì, Mái đẩy, những lý Tình tang trong khung cảnh nên thơ của sông Hương về đêm thật quá tuyệt vời! Chính từ ngày đó, ông phát hiện ra “âm giai lơ lớ” của các điệu hò, điệu hát Huế và đã ký âm điệu hò. Khám phá sự phong phú của nhạc ngữ Việt Nam qua hệ thống âm giai đặc biệt này, ông viết nhiều bài hát mang âm hưởng Huế như Về Miền Trung, nhiều đoản khúc như Ai vô xứ Huế thì vô, Nước non ngàn dặm ra đi trong Trường ca Con đường cái quan...
 
 
Trang Hiền