Tại Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng tham dự.
Dư địa cải cách vẫn còn lớn
Xây dựng công trình tại khu đô thị mới An Vân Dương, TP. Huế
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn lớn. Đối thoại doanh nghiệp về cải cách TTHC trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan đã được Bộ Xây dựng duy trì qua nhiều năm nhưng luôn là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra và đang ưu tiên thực hiện. Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã liên tục ban hành và triển khai thực hiện các Nghị quyết thường niên về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Trong nhiều nhiệm vụ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương được giao trong các Nghị quyết, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng – là một trong các chỉ số được Ngân hàng thế giới đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Thực hiện nhiệm vụ này, thông qua khâu xây dựng và hoàn hiện thể chế, Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều TTHC trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay, ngành xây dựng đã cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 TTHC. Đồng thời, cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện...
Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Thực hiện thành công phương án này hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của ngành năm 2021 và 2022 - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Cải cách thủ tục, giảm 16-40% thời gian
Tại đầu cầu Thừa Thiên Huế
Tại Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành và TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng. Trong đó, một số TTHC rút ngắn thời gian thực hiện so với quy định của Bộ Xây dựng từ 16% - 40%. Đồng thời, các sở, ngành phối hợp ban hành quy chế phối hợp nhằm giảm thiểu thời gian thực hiện các TTHC.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. UBND tỉnh tổ chức Hội nghị về thực trạng, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế trong điều kiện “bình thường mới” gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 để cùng doanh nghiệp thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, cùng các ngành tìm phương án tháo gỡ cho những khó khăn đó để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp”.
Ngoài ra, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư tiến hành rà soát, đánh giá tác động của dịch COVID-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép ảnh hưởng đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn và mức độ ảnh hưởng đến từng dự án, từng gói thầu, từng hợp đồng xây dựng. Trên cơ sở đó, đề xuất Bộ Xây dựng các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.
Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành Xây dựng góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về Ứng dụng Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số ngành Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, giải pháp thực hiện Kế hoạch này là đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với công dân, tổ chức, doanh nghiệp; Phát triển các mô hình kết hợp giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong hoạt động ngành xây dựng, hoạt động triển khai Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số.
Tin, ảnh: Thái Bình