“Về Huế ăn cơm” phát hành tháng 11/2021
Quyển sách thứ ba của Lê Phi Tân cũng là món quà sách thứ ba Phi Tân tặng tôi. Tôi trân quý vô cùng vì đó là những ký ức từ trong sâu thẳm tâm hồn được Phi Tân kể lại một cách thật thà, duyên dáng và ẩn đâu đó chút hài hước để người đọc phải bật cười. Tự nhiên tôi liên tưởng tâm hồn Phi Tân giống một khu vườn quê, vô cùng mộc mạc, thuần hậu, chất phác, một khu vườn đất đai hiền lành được ba Tân, mạ Tân, ôn mệ gieo trồng những hạt mầm nhân hậu, thật thà. Được bà con xóm giềng, bạn bè gieo thêm những hạt mầm tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm, tình bạn. Trong khu vườn ấy, mọi loài cây đều cùng lớn lên, vui vẻ bên nhau. Tôi nghĩ, không chỉ Tân may mắn được lớn lên trong khu vườn ấy mà cả mỗi độc giả chúng ta khi đọc sách của Phi Tân ngày nay cũng là người may mắn vì được đọc những trang văn đẹp, những ký ức đẹp của một người có tâm hồn thuần hậu, chân chất. Những chuyện Tân kể nhắc người đọc như chúng tôi - những đứa trẻ sinh ra trong thập niên 65-75 của thế kỷ XX, nghĩa là cách đây chừng 45 năm hay 50 năm có lẻ, nhớ về thời thanh xuân trong cuộc đời của mình, giai đoạn ấy thiếu thốn cái ăn, cái mặc nhưng không ai bị lẻ loi, cô đơn; cực khổ nhưng ấm áp tình cảm, giai đoạn ấy đã nuôi dưỡng rất nhiều người hôm nay trưởng thành và thành nhân, trong đó có Phi Tân.
“Về Huế ăn cơm”, cơm mà Phi Tân mời gọi là cơm bình dân, cơm quê, cơm mạ nấu. Cơm của cá đồng, rau vườn, cơm với con khuyết, con tép, con hến, con trìa, con ốc, con cá ngừ quạ biển Thuận An, con nuốc Tam Giang; cơm với vả trộn, rau khoai luộc, rau muống bóp, cơm với canh dưa hường, dưa gang chấm ruốc, cơm ấm trong vị ném cay phòng cảm cúm, vị trái ớt xanh thơm nồng, của chén nước mắm ớt bột dậy thơm mùi vị biển... Tôi đảo tới, đảo lui, xoay ngược xoay xuôi cái thực đơn hàng mấy chục món mà Phi Tân dọn trong “Về Huế ăn cơm” mà chẳng tìm ra món mô gọi là cao sang, đắt tiền hay chế biến cầu kỳ, công phu. Tất cả đều là món quê, món bình dân mà đọc lên món nào tôi cũng nhớ, cũng thèm, nhất là mấy cái món có gắn với nước mắm và ớt.
Đọc “Về Huế ăn cơm” của Phi Tân, tôi bỗng thấy mình hạnh phúc. Phi Tân nhắc tôi nhớ về những ngày tuổi thơ êm đềm, nhớ những buổi cơm tối, cả nhà tôi quây quần quanh mạ bên cái bếp, cũng y như chuyện Phi Tân kể vậy, nghe những âm thanh xèo xèo trong chảo của mạ và mùi thơm của thức ăn bay lên. Tôi nhớ bếp lửa hồng soi rõ khuôn mặt mạ và ánh mắt của anh em tôi háo hức khi mạ bưng mâm cơm lên và cả nhà quây quần. Bếp lửa ấy, không khí ấy, cái mùi thức ăn ấy, cái vị mỡ béo và nước mắm mặn cùng hương thơm của ớt tỏi ấy, không chỉ là của bếp nhà Phi Tân, của bếp nhà tôi mà là của rất nhiều người Huế thời kỳ ấy. Tôi nghe có người kể, đọc “Về Huế ăn cơm” mà “quên để nồi cá kho trên bếp cháy khét”, tôi tin vào sự say sưa ấy, tôi tin vào sự dẫn dắt câu chuyện của Phi Tân, không phải là nghệ thuật văn chương này nọ như chúng ta thường phân tích trong các bài bình văn mà đó là sự hấp dẫn đến từ sự chân thật. Một sự chân thật, đậm đà tình thương mạ, tình cảm gia đình mà ai đọc cũng thấy có mình trong đó.
“Về Huế ăn cơm”, món mặn, món ngọt, món khô, món nước, món nào cũng có, Phi Tân thiệt có tài “ăn mà nhớ”. Tôi muốn dừng lại ở câu chuyện “Ngọt ngào đường bát” của Phi Tân để kể câu chuyện “đường bát” của mình. Đó cũng là một câu chuyện ngọt ngào trong cách dạy con của mạ tôi. Hồi ấy, mạ tôi đi buôn đường bát Quảng Ngãi. Bánh đường bát Quảng Ngãi khác ở những nơi khác là người ta đổ tràn đầy ra khỏi cái bát tạo nên những miếng đường nhỏ trồi lên. Tôi thèm ăn đường quá, bánh nào tôi cũng “cạp” hết những tai đường đổ già ra như thế. Đến ngày mạ đi bỏ hàng cho người ta, vì bánh đường bị cạp nên mạ tôi bị trừ tiền rất nhiều, thế mà mạ về không la gì tôi, chỉ nói nhỏ “lần sau con muốn ăn thì lấy một bánh đường chặt ra mà ăn, đừng cạp tất cả các bánh như rứa mạ bán bị họ trừ tiền”. Bài học ấy, tôi nhớ mãi đến tận bây giờ và tôi cũng áp dụng trong cuộc sống của mình với các con tôi. Hôm nay, trời Huế mưa lạnh, đọc lại tản văn “Ngọt ngào đường bát” của Phi Tân tôi có dịp ôn lại một kỷ niệm ngọt ngào khi nhớ về mạ tôi, lòng ấm áp hẳn.
Tôi tin bạn đọc dù ở lứa tuổi nào cũng sẽ tìm thấy ít nhất một kỷ niệm về mạ (mẹ) của mình, về những bữa cơm gia đình, những món ăn cùng bạn bè hay ấn tượng về một món ẩm thực Huế khi đọc quyển sách này của Lê Phi Tân. Bởi một lẽ đơn giản tất cả những món ăn đó đều có trong cơm mạ nấu.
Bài: XUÂN AN - Ảnh: PHI TÂN