Gallery dần thưa vắng do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Vắng dần theo thời gian

Dù không sầm uất và nhộn nhịp như nhiều thị trường nghệ thuật ở hai đầu Bắc – Nam, thị trường nghệ thuật ở Huế được xem có sự chuyển động, ít nhiều đã bắt nhịp. Có thể chứng minh qua sự ra đời của nhiều gallery vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Bên cạnh các gallery do họa sĩ tự mở để treo bán tranh của mình, nhiều gallery của những người yêu nghệ thuật tự mở, rồi nhận tranh của các họa sĩ về để trưng bày, bán.

Theo các họa sĩ ở Huế, từng có rất nhiều gallery được mở ra như gallery của họa sĩ Lê Quý Long, gallery của họa sĩ Ngô Tâm, gallery Sẩm của họa sĩ Trương Thiện, Ta gallery của họa sĩ Phan Quang Tân, Art gallery Sonata của chị Ngọc Diệp… Ngoài treo tranh của chính mình, các họa sĩ còn nhận treo nhiều tác phẩm của đồng nghiệp. Riêng một số gallery do những người yêu nghệ thuật mở ra, chủ nhân thường nhận tranh của nhiều họa sĩ, ai cũng có thể gửi tranh.

Một góc không gian gallery vẫn còn tồn tại ở Huế cho đến ngày nay

Chủ nhân của một số gallery chia sẻ rằng, thời điểm tranh ở các gallery bán chạy bắt đầu từ các năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đến giữa khoảng năm 2005. Khi đó, du khách đến Huế du lịch nhiều, nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật và mua tranh tại các gallery khá cao. “Ngày đó, việc bán tranh để kiếm sống rất thịnh hành. Nhiều gallery ăn nên làm ra, sống tốt. Nhiều họa sĩ nhờ các gallery cũng kiếm được đồng ra, đồng vào nên có hứng thú sáng tác. Sáng tác chừng nào, gửi đến gallery chừng đó. Tùy theo thỏa thuận giữa họa sĩ và chủ gallery sẽ có tỷ lệ chia phần trăm với nhau”, họa sĩ V.T - một người từng mở và gửi tranh ở các gallery chia sẻ.

Tuy nhiên, theo dõi thị trường mỹ thuật những năm gần đây, họa sĩ T. cho biết, vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, một số gallery phải trả mặt bằng, đóng cửa. Theo họa sĩ T. trước sự phát triển của công nghệ, nhiều họa sĩ không cần phải gửi tranh ở các gallery mà đã tự rao bán tranh của chính mình ngay trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội liên quan về mỹ thuật. Nhiều người mua tranh cũng đã tự kết nối với họa sĩ, có thể xem, giao dịch tranh qua mạng hoặc đến nhà để xem.

“Ngay cả khách hay các nhà sưu tập ở ngoại tỉnh, nước ngoài, chỉ cần một cú “click chuột” là có thể xem tranh, giao dịch ngay. Như thế, dần dần vai trò của các gallery giảm đi”, họa sĩ T. lý giải. Nếu gallery là mặt bằng của họa sĩ, hoặc chủ nhân việc duy trì còn “dễ thở”, ngược lại phải thuê mặt bằng để mở gallery thì tốn kém nhiều chi phí, không cầm cự nổi, ắt sẽ tự đóng cửa. Vì lý do đó, sau một vài năm mở gallery, anh T. quyết định đóng cửa, trả mặt bằng thuê để về nhà sáng tác.

Cần có sự kết nối, quảng bá

Một số họa sĩ trẻ sau này cho biết, thay vì trước kia các thế hệ đàn anh thường gửi tranh ở các gallery ở Huế, thậm chí vào tận Hội An thì nay gần như không còn. Họa sĩ đã có tiếng tăm, giới sưu tầm tự tìm đến nhà, riêng họa sĩ mới bắt đầu sáng tác chủ yếu thông qua các kênh trên mạng xã hội. Vì thế, ít nhiều họ cũng không chú trọng đến việc gửi tranh ở các gallery.

“Đặc biệt trong bối cảnh dịch giã thế này, khách Tây và khách ở các tỉnh, thành không thể tới, họ cũng thể xem và mua trên mạng. Điều đó, tôi cho rằng rất thuận tiện và cũng là lý do khiến các gallery gặp khó khăn”, họa sĩ trẻ L. L cho hay.

PGS. TS. Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cho rằng, ở Huế có khá ít gallery thật sự đạt chuẩn, ngoại trừ gallery của họa sĩ Bội Trân (nhưng có xu hướng nhà trưng bày hay trung tâm nghệ thuật hơn).

Theo ông Bình nguyên nhân thì nhiều, nhưng quan trọng nhất Huế chưa phải là thị trường tranh, và chắc phải còn lâu mới trở thành thị trường bởi ngay cả một nơi trưng bày hay một phòng triển lãm cũng không có. Bảo tàng Mỹ thuật Huế ra đời nhưng chưa có nơi trưng bày đúng nghĩa, họa sĩ Huế rất nhiều và có khá nhiều người giỏi nhưng cũng phải đi con đường riêng, bấp bênh, ít có sự hỗ trợ.

Nói về xu hướng những năm gần đây hệ thống gallery “online” (mua bán qua mạng) phát triển rầm rộ có phải là nguyên nhân ít nhiều ảnh hưởng đến sự trầm lắng của các gallery, ông Bình cho rằng, dù có online hay không thì trước và sau này thị trường tranh Huế vẫn trầm lắng, vì thế nếu có ảnh hưởng thì cũng chỉ một phần.

“Để có được thị trường phát triển bền vững, trở thành điểm đến của giới yêu hội họa, nghệ thuật, cần phải có sự đồng bộ mọi mặt, từ hệ thống bảo tàng cho đến gallery art. Ngoài ra, cần có sự kết nối với các nguồn lực du lịch, quảng bá đến với du khách. Cùng với đó có các họat động triển lãm, thường xuyên và quan trọng không thể thiếu đó là có chủ đề Huế trong những sáng tạo, sáng tác”, PGS. TS. Phan Thanh Bình, nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHẬT MINH