Nhân viên kỹ thuật của VNPT kiểm tra, xử lý sự cố cho khách hàng
Nhiều dấu ấn
Trong cuộc dịch chuyển số ở Việt Nam, VNPT đóng vai trò tiên phong, trở thành lá cờ đầu. Thương hiệu VNPT trong mắt cộng đồng không chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, mà còn là nhà cung cấp dịch vụ số với những tiện ích công nghệ hiện đại để phục vụ người dân.
Tại Thừa Thiên Huế, VNPT đã đồng hành cùng tỉnh qua 2 cuộc “cách mạng”: “Cách mạng số hóa” - Phổ cập điện thoại cố định, di động, góp phần đưa Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên đạt tiêu chí 100% xã có điện thoại và “Cách mạng phổ cập internet, truyền hình internet”; trong đó VNPT là đơn vị hỗ trợ tỉnh đưa tín hiệu truyền hình lên huyện miền núi A Lưới.
Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế - Nguyễn Nhật Quang chia sẻ: VNPT tỉnh đã đầu tư cung cấp hạ tầng mạng viễn thông băng rộng đồng bộ, rộng khắp trên cả 2 lĩnh vực: Hạ tầng mạng cáp quang đến tận nhà dân và hạ tầng mạng di động với công nghệ 3G, 4G và sắp tới là 5G, đáp ứng nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp (DN), người dân… Phối hợp triển khai thành công mạng truyền số liệu chuyên dụng kết nối các cơ quan chính quyền và internet tập trung, trong đó, VNPT cung cấp dịch vụ cho hơn 300 điểm; xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến; triển khai ngầm hóa nhiều tuyến đường theo yêu cầu của UBND tỉnh.
Ký kết hợp tác giữa VNPT và UBND tỉnh
Ngoài vai trò chủ lực trong việc đáp ứng hạ tầng cho chuyển đổi số (CĐS), VNPT hiện đã có hệ sinh thái CĐS cho chính quyền, DN và người dân. “Chúng tôi cũng triển khai trên địa bàn tỉnh một hệ sinh thái ứng dụng CNTT đa dạng, cung cấp nhiều giải pháp CNTT cho khối chuyên ngành, nhất là trong giai đoạn phòng, chống COVID-19. Như trong lĩnh vực y tế với cổng dữ liệu y tế, phần mềm VNPT-HIS, VNCare, HomeClinic... tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh; chương trình hỗ trợ dạy và học trực tuyến cho hơn 350 trường học và lớp học thông minh trên địa bàn tỉnh giúp cho phụ huynh, học sinh thích nghi với việc học từ xa trong thời kỳ đại dịch COVID”, ông Quang thông tin.
Ngoài ra, với khối DN, dịch vụ hóa đơn điện tử VNPT INVOICE hiện có trên 1.000 khách hàng sử dụng; cung cấp hơn 3.500 chứng thư số - VNPT CA cho DN. Đặc biệt, VNPT đang triển khai Mobile money s- xu hướng thanh toán qua điện thoại không cần tài khoản ngân hàng, phát triển các sản phẩm dịch vụ phục vụ cho xã hội.
Tiếp tục đồng hành
Nền tảng để Thừa Thiên Huế tin tưởng tiếp tục chọn VNPT là đơn vị đồng hành cùng tỉnh triển khai CĐS trong giai đoạn 2021-2025 là những thành quả sau 6 năm hợp tác chiến lược.
Chương trình hợp tác giữa hai bên sẽ tập trung vào phát triển dịch vụ đô thị thông minh (DV ĐTTM); xây dựng hạ tầng số, các nền tảng dùng chung, đảm bảo an toàn an ninh thông tin và hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT-VT nhằm tạo nền móng cho việc CĐS.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT- Huỳnh Quang Liêm, tại Thừa Thiên Huế, VNPT sẽ tham gia triển khai các giải pháp CĐS để tỉnh thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn, như: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng internet tốc độ cao, hạ tầng ICT, tạo nền móng sẵn sàng cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, “hệ sinh thái CĐS DN vừa và nhỏ của VNPT sẽ giúp các DN trên địa bàn tiếp cận công nghệ mới nhất, phục vụ tối ưu hóa sản xuất kinh doanh, nhất là tiếp cận trong môi trường số. VNPT cũng phối hợp, hỗ trợ tỉnh chuyển đổi các lĩnh vực nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, cuộc sống của người dân”, ông Liêm khẳng định.
Tại buổi lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kỳ vọng “chương trình hợp tác giai đoạn mới sẽ đem lại cho tỉnh diện mạo khác biệt, CNTT phát triển ngày một sâu, rộng hướng về cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa các cơ quan Nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế, thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội".
Hai bên thống nhất ký kết các nội dung hợp tác: Tập đoàn VNPT phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh khảo sát, tư vấn các nhiệm vụ, đề án tổng thể về CĐS và phát triển DV ĐTTM; xây dựng hạ tầng số, các nền tảng dùng chung, đảm bảo an toàn an ninh thông tin và hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT-VT; phối hợp triển khai các giải pháp CĐS cho chính quyền; triển khai các giải pháp về cơ sở dữ liệu và các dịch vụ trên nền tảng ĐTTM, Trung tâm Giám sát và điều hành ĐTTM; triển khai, tích hợp các hệ thống dùng chung của Quốc gia như hệ thống Dịch vụ công, hệ thống thông tin báo cáo.
Tập đoàn VNPT cũng phối hợp với UBND tỉnh tư vấn, hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và triển khai CĐS cho các DN công nghệ số; hỗ trợ triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử. Hỗ trợ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên gia về CNTT-VT. Tạo điều kiện để các sinh viên viễn thông và CNTT trên địa bàn được thực hành, thực tập tại Tập đoàn VNPT, tiếp nhận các sinh viên giỏi về công tác tại Tập đoàn cũng như VNPT Thừa Thiên Huế...
Bài, ảnh: LIÊN MINH