Lu đều được làm bằng sành nhưng màu sắc khác nhau, cái màu nâu sẫm thì bóng nhoáng dành để đựng nước uống, cái kia màu nhạt hơn, nham nhám dùng để rửa, tưới cây. Nội nói, nước máy hay nước mưa cũng phải để cho lắng cặn rồi mới dùng và cũng phòng khi cúp nước thì có nước để mà dùng. Hồi nhỏ, cứ chạy chơi về, tôi lấy gáo dừa thò tay múc nước ở lu uống cho đã khát mà không sợ đau bụng đau dạ gì. Có lần, chơi trốn tìm, tôi trượt chân ngã, cái đầu chạm vào cái lu, cũng may là chỉ xoẹt qua. Lấy tay xoa xoa cái đầu của tôi cho bớt đau, nội còn đùa “May mà chưa bể cái lu của nội”.

Sau này, sửa sang lại nhà cửa nên nội không dùng để đựng nước nữa vì nước mưa trên mái ngói cũng được chảy theo ống xuống cống rãnh, còn nước máy cũng không trục trặc như trước. Thấy lu không sử dụng nên con cháu khuyên nội nên cho ai hoặc bán “ve chai” cho rộng cửa rộng nhà (lúc đó cũng chẳng có ai tìm mua lu để làm việc này việc kia) nhưng nội không nói gì. Thời gian sau, nội dùng hai cái lu để làm nước mắm và ruốc. Nhờ những năm tháng nội bán buôn ở vùng biển Thuận An nên đã học được cách làm mắm, ruốc. Tỷ lệ cá, khuyết bao nhiêu, tỷ lệ muối bao nhiêu chỉ một tay nội làm. Rồi nội che đậy cẩn thận, nhất là khi mùa mưa đến nội đậy lên miệng lu chiếc nón áo mưa, cẩn thận hơn nội trùm thêm tấm ni lông che kín cả lu. Nội nói để nước mưa lọt vào thì ảnh hưởng đến chất lượng của nước mắm, của ruốc, thậm chí nước mắm, ruốc có thể bị chuyển màu hoặc bị hư nữa.

Rồi cũng đến ngày “thu hoạch”, mắm đã chín, nội chắt để lấy nước cũng mất mấy ngày. Mỗi khi có khách đến nhà chơi, vừa đến cửa ngõ đã tấm tắc khen mùi thơm của nước mắm. Nhờ vậy mà con cháu trong nhà mấy chục năm trời luôn được dùng nước mắm nguyên chất mà không cần bỏ thêm bột ngọt hay đường. Những ngày đông rét nếu thiếu đồ ăn chỉ cần giã tỏi, ớt và cho thêm tí chanh, ít tóp mỡ vào nước mắm mà ăn với cơm nóng cũng hết vài chén cơm. Nghe nội có nước mắm ngon, bà con xóm giềng đến mua, nhưng nội nói để cho con cháu dùng, chứ không bán. Nơi nào thân quen nội chắt ra một chai nhỏ để biếu.

Đến khi tuổi già sức yếu, nội không làm nước mắm, làm ruốc nữa nên hai cái lu cũng chỉ để đựng than dành sưởi ấm mùa đông. Chú út ở với nội thấy vậy định cưa miệng lu để trồng cây cảnh nhưng nội ngăn lại. Nội nói “bao nhiêu năm nội giữ không để cho nó sứt mẻ, giờ sao lại cưa cho nó bể đi. Cái chi giữ được thì nên giữ lại”. Nghe vậy nên chú út đổ nước để nuôi cá cảnh và trồng thêm mấy cây hoa súng cho đẹp. Có lần, người trong xóm đến chơi rồi dúi vào tay nội mấy triệu đồng để mua cặp lu về cắm sen giấy Thanh Tiên nhưng nội chỉ móm mém cười mà… không chịu bán. Cứ chiều chiều, nội chống gậy đi dạo ngắm quanh khu vườn, thuận tay thì nhổ mấy cây cỏ dại bám trên chậu cây cảnh, khi thì cho đàn gà ăn và ngắm nhìn đàn cá vàng tung tăng bơi lượn trên miệng lu.

Theo năm tháng, cái lu cũng ngả màu xỉn hơn không còn như trước, đây đó có vết nứt nẻ, vết nổ trông nó như cổ xưa hơn. Chú út đã xây lại cái nhà mới khang trang, bày biện, trang trí khá đẹp mắt. Trước sân hai cái lu của nội vẫn còn đó, đàn cá cũng nhiều hơn, mấy cái chồi hoa súng cũng đang chờ nở hoa dưới ánh mặt trời… nhưng nội đã đi xa rồi.

LINH THIỆN