Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương
Thưa ông, đến nay việc thu hút các NĐT, các DA vào KTT CM-LC được thực hiện như thế nào?
CM-LC là một trong những KKT ven biển của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thành lập, được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam; có vị trí địa chính trị thuận lợi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây. Ngay từ khi mới thành lập, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU nhằm đẩy mạnh phát triển KKT CM-LC đến năm 2020.
Hiện KKT này có 50 DA đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 82.000 tỷ đồng, trong đó có 12 DA FDI với tổng vốn đăng ký hơn 56.000 tỷ đồng (chiếm 68,3% tổng vốn đăng ký), tương đương 2,6 tỷ USD. Bên cạnh sự tăng lên về số lượng và quy mô các DA đầu tư, chất lượng các NĐT có sự thay đổi lớn, một số NĐT trong và ngoài nước có thương hiệu đã đến đầu tư và hoạt động.
Đến nay, có 24 DA đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), 26 DA đang triển khai; tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 13.600 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động, doanh thu bình quân hàng năm khoảng 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 280 tỷ đồng. Hầu hết các DA đang trong thời gian miễn tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN).
Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển ở đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh?
Dù đã có những con số nhất định, tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sau 15 năm hình thành, việc phát triển KKT CM-LC vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, vẫn còn thiếu các DA mang tính động lực, đột phá; số lượng NĐT lớn, các DA FDI đầu tư vào KKT vẫn còn ít.
Thứ nhất, dù hạ tầng kỹ thuật KKT đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa được đồng bộ, hoàn thiện do nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Đến nay, tổng vốn đầu tư các DA xây dựng hạ tầng KKT chỉ khoảng 3.700 tỷ đồng, đã ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư và triển khai DA.
Thứ hai, nhiều NĐT sau khi cấp phép đầu tư không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để triển khai DA nên buộc phải thu hồi làm ảnh hưởng đến tiến độ phát triển khu vực này cũng như kêu gọi nhà NĐT tiềm năng.
Thứ ba, cuối năm 2019 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các DA đang thi công, xây dựng, công tác kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn. Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thường kéo dài do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai DA.
Du khách đến Huế qua cảng Chân Mây (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: Đức Quang
Mới đây, Hội nghị Tỉnh ủy đã dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KKT CM-LC. Vậy tỉnh có chiến lược và chính sách đột phá gì để hỗ trợ DN, xây dựng nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của các NĐT, thúc đẩy phát triển KKT?
Tỉnh ủy xác định phải có chiến lược, giải pháp đột phá để tiếp tục phát triển KKT CM-LC vì nơi đây có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Chính vì thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy, từ đó đưa ra chiến lược, giải pháp đột phá nhằm hỗ trợ DN, xây dựng nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của các NĐT.
Để làm được điều đó, UBND tỉnh cần có nhiều nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KKT theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho ban quản lý thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, đất đai, môi trường…; gắn chặt cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp với kiểm tra, giám sát rõ ràng, minh bạch giữa các cơ quan trong tỉnh.
Nhóm giải pháp về thu hút đầu tư, tỉnh định hướng thu hút đầu tư theo hướng tập trung thu hút các DA đầu tư có giá trị gia tăng cao và đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với định hướng phát triển bền vững; có sự cam kết về chuyển giao công nghệ, đóng góp tốt cho ngân sách địa phương, phát triển đội ngũ lao động có kỹ năng tay nghề cao. Đồng thời, các giải pháp về cải cách hành chính, quản lý quy hoạch, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường tại KKT cũng được tỉnh chú trọng.
Tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng cho NĐT triển khai thi công DA. Tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, xem đây là giải pháp chủ yếu để huy động vốn đầu tư phát triển KKT.
Tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA để tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội thiết yếu trên địa bàn KKT; chú trọng phát triển hạ tầng khu cảng biển, dịch vụ logistics, khu du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, tạo sức lan tỏa để phát triển dịch vụ du lịch cho cả tỉnh, tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.
Chân Mây - Lăng Cô đang được tỉnh chú trọng xúc tiến đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi. Ảnh: Hiếu Đặng
Xin ông cho biết, lĩnh vực nào được ưu tiên và khi DN đầu tư vào đây sẽ có những ưu đãi nào? Đối với các NĐT chiến lược khi vào đây họ sẽ được gì?
Việc thu hút đầu tư vào KKT phải có chọn lọc, phù hợp với định hướng phát triển của KKT. Các lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư vào KKT gồm: hạ tầng cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch; các ngành nghề SXKD: Công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ; các lĩnh vực như du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo; dịch vụ giải trí…; thu hút các DA gắn với nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Khuyến khích thu hút vào ngành công nghiệp phụ trợ nhằm giảm chi phí đầu vào về nguyên - phụ liệu góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước.
Các DA đầu tư vào KKT đều được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật. Đối với các DA quy mô vốn và nộp ngân sách lớn, DA công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tỉnh sẽ có các chính sách hỗ trợ đầu tư riêng nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư.
Ông có thể cho biết thêm, nguồn nhân lực cho KKT CM-LC được tính toán thực hiện như thế nào để KKT này trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước?
Với các DA lớn đang triển khai cũng như các DA đang tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào KKT, giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến khi các DA lớn hoàn thành đưa vào hoạt động, nhu cầu lao động lên đến 30.000 lao động.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, tỉnh ưu tiên xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng các trường đào tạo, các trung tâm huấn luyện và chuyển giao công nghệ tại tỉnh. Tăng cường phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề, các trường cao đẳng công nghiệp, các trường trung học nghề trong và ngoài nước để kêu gọi thành lập chi nhánh tại Huế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển. Hỗ trợ NĐT trong công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn lao động phục vụ DA, hỗ trợ DN tiếp cận với nguồn nhân lực có chất lượng.
Đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho công nhân đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu của DN, NĐT. Tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát quy hoạch và kêu gọi đầu tư các khu nhà ở cho công nhân; các thiết chế hạ tầng xã hội và các dịch vụ thiết yếu khác cho người lao động tại KKT, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho người lao động và gia đình, để công nhân an tâm sinh sống và làm việc.
Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, làn sóng trở về địa phương ngày càng tăng. Việc làm ổn định, môi trường sống an lành tại quê nhà, tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều người lao động trở về làm việc ổn định, lâu dài tại địa phương. Chúng tôi luôn cam kết sẽ tiếp đón bà con và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân có việc làm ổn định, an cư lập nghiệp tại tỉnh nhà.
Xin cảm ơn ông!
Thái Bình (thực hiện)