Biến thể Omicron đã và đang lây lan rộng khắp thế giới. Ảnh minh họa: AFP/Báo Lao động

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu Omicron, biến thể COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi có khả năng lây truyền mạnh hơn những biến thể khác hay không.

“Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, song điều này có thể là do số lượng người nhiễm đang tăng, không phải là kết quả của việc nhiễm một biến thể nhất định”, WHO cho biết.

Theo đó, việc tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của Omicron sẽ phải mất vài ngày hoặc vài tuần.

Việc phát hiện ra Omicron đã kéo theo cảnh báo toàn cầu khi các chính phủ trên khắp thế giới nhanh chóng áp đặt những hạn chế đi lại mới khi lo ngại rằng biến thể có thể ảnh hưởng đến tiến trình tiêm chủng, cũng như tác động đến nền kinh tế vừa mới mở cửa trở lại sau 2 năm hứng chịu sự hoành hành của đại dịch nghiêm trọng này.

Trong phát biểu của mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện họ đang làm việc tích cực với các chuyên gia kỹ thuật để tìm hiểu rõ hơn về tác động tiềm năng của biến thể Omicron đối với những biện pháp hạn chế đang được triển khai để chống lại COVID-19, bao gồm cả vaccine.

Đứng trước vấn nạn này, Anh sẽ nhanh chóng triệu tập một cuộc họp khẩn với sự tham gia của các bộ trưởng kinh tế G7 vào ngày 29/11 để thảo luận về những diễn biến mới của dịch bệnh.

Bên cạnh các quốc gia tuyên bố đã phát hiện những ca nhiễm biến thể Omicron bao gồm Hà Lan, Australia, Bỉ, Anh, Đan Mạch... số ca nhiễm tại đây và nhiều nước khác đang ngày càng tăng.

Đơn cử, Bộ trưởng Y tế Botswana Edwin Dikolot ngày 28/11 thông tin rằng quốc gia này đã phát hiện thêm 15 ca nhiễm biến thể Omicron, bên cạnh 4 ca đã ghi nhận trước đó vào ngày 26/11.

Cho đến nay, Botswana là 1 trong số 11 quốc gia có ghi nhận biến thể Omicron, biến thể COVID-19 được WHO xác định là “biến thể đáng lo ngại”.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh cần nhiều thời gian để đánh giá đầy đủ tác động của biến thể mới của COVID-19, cùng với đó là chuẩn bị tốt hơn, đặc biệt là thúc đẩy triển khai chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19, từ đó tăng tỷ lệ miễn dịch cho người dân trong khu vực.

Để đối phó với đại dịch, nhiều quốc gia đã áp đặt lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại với miền Nam Nam Phi. Thị trường tài chính cũng đã giảm 6 điểm và giá dầu giảm.

Một bác sĩ người Nam Phi sau quá trình khảo sát và xem xét cho biết các triệu chứng của Omicron cho đến nay là rất nhẹ và bệnh nhân có thể điều trị tại nhà.

Về phía Mỹ, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci cho rằng người Mỹ nên chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sự lây lan của biến thể mới. Ông cũng cho biết, có thể biến thể này đã lây lan và xuất hiện ở trong nước, mặc dù chưa có trường hợp nào được xác nhận.

Tại Anh, chính phủ đã công bố các biện pháp bao gồm các quy định kiểm dịch, kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với những người từ nơi khác đến Anh và yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang tại một số địa điểm.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)