Hoạt động ngân hàng mở rộng về các xã vùng sâu vùng xa là cách đẩy lùi tín dụng đen

Chưa đủ cơ sở để xử lý

Theo thông tin từ bạn đọc có địa chỉ email Lan@email.com, “hiện nay, nhiều CTTC như HomeCredit hoặc FECredit dựa vào Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) để cho vay với lãi suất 36%/một năm. Không chỉ “lãi trên trời”, mà khi khách hàng trả gốc, lãi trễ nửa tháng là các đơn vị này cử nhân viên về tận nhà thu nợ, gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa hay đăng zalo và facebook bôi nhọ danh dự người vay. Các CTTC này cho rằng việc chậm nộp là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và khi chậm trả gốc, lãi, mức lãi phạt tăng lên không ngừng”.

Bạn đọc này còn phản ánh, ở địa chỉ 56 Hùng Vương (chính xác là 64 Hùng Vương) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) ở tầng 3 có nhóm cho vay dạng này đang hoạt động.

Trước thông tin này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh đã tiến hành kiểm tra và có công văn gửi VPBank và CTTC TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FECredit) xung quanh phản ánh này.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng Giám đốc VPBank cho rằng, theo điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 có quy định “TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật”.

Lãi suất cho vay theo đó được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN; cụ thể “TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo nhu cầu thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng”. Trừ trường hợp Thống đốc NHNN quyết định về lãi suất cho vay tối đa trong một số lĩnh vực nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất, nhập khẩu, phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghệ hỗ trợ, phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Như vậy, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng, công ty tài chính đều được quy định cụ thể dựa trên nguyên tắc thỏa thuận với khách hàng. Đại diện ngân hàng cho rằng, việc bạn đọc phản ánh CTTC dựa vào ngân hàng để áp dụng mức lãi suất cho vay trên trời là nhận định chủ quan, chưa có cơ sở.

Ông Nguyễn Thành Long thông tin: Các TCTD cũng đã được quy định cụ thể tại điều 95 Luật Các TCTD năm 2010 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Tại VPBank cũng như FECredit đều đã ban hành đầy đủ quy trình, quy định về công tác thu hồi nợ đảm bảo tuân thủ pháp luật. Trường hợp phát hiện bất kỳ cá nhân, đơn vị nào vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ của TCTD. Vì vậy, với nội dung phản ánh của bạn đọc liên quan tới hành vi thu hồi nợ trái pháp luật, VPBank chưa thấy có đủ cơ sở để xem xét, giải quyết theo quy định.

Bà Hồ Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối vận hành CTTC TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FECredit) khẳng định: Thông tin mức lãi suất của hợp đồng giữa FeCredit và khách hàng là đúng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật. Về vấn đề thu hồi nợ, FeCredit luôn thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo nhân viên tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp cũng như xây dựng hệ thống hỗ trợ khoa học nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh. Trường hợp phát hiện và nhận thấy đủ cơ sở để kết luận nhân viên có hành vi vi phạm, FeCredit sẽ xử lý nghiêm nhân viên theo quy định nội bộ.

FeCredit đã liên hệ đến người phản ánh theo địa chỉ thư điện tử của bạn đọc nhằm nắm bắt đầy đủ hơn thông tin để FeCredit có cơ sở kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên tính đến 15/11, FeCredit vẫn chưa được thông tin phản hồi từ người phản ánh.

Tăng cường công tác quản lý hoạt động cho vay

Thông tin từ NHNN chi nhánh tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 điểm giới thiệu dịch vụ của 9 CTTC.

Chi nhánh tỉnh thường xuyên phối hợp với NHNN Việt Nam triển khai thanh tra đối với điểm giới thiệu dịch vụ của 3 CTTC (TNHH MTV HomeCredit Việt Nam; TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng, TNHH MB Shinsei). Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý, chi nhánh đã có công văn chấn chỉnh các CTTC về hoạt động cho vay tiêu dùng và yêu cầu định kỳ báo cáo về tình hình hoạt động của công ty, về các giải pháp xử lý nợ xấu, tình hình thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Liên quan đến tình hình hoạt động và công tác quản lý các CTTC trên địa bàn, ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh chia sẻ, ngân hàng đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp quản lý đẩy lùi tín dụng đen. Với chức năng thực hiện quản lý Nhà nước về tiền tệ, chi nhánh tỉnh đã thực hiện các giải pháp góp phần thực hiện đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn.

Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, các đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”.

 NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-l9, thiên tai dịch bệnh hoặc gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả nợ đúng hạn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng; cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện cho Nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp; xây dựng sản phẩm dịch vụ ngân hàng thân thiện, dễ sử dụng, dễ tiếp cận với đa số người dân. Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm giúp cho khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng ngày càng được dễ dàng hơn, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn của xã hội.

Bài, ảnh: Hoàng Loan