Tôi vẫn thường nghe chồng nhắc nhở, có khi la mắng khi em làm sai, không đúng ý nhưng đáp lại luôn là sự im lặng, đôi khi chỉ là những từ dạ nghe rất nhỏ hoặc gật đầu. Chưa bao giờ thấy em giận dỗi, cãi lại hoặc bỏ giữa chừng như đã từng thấy ở vài người thợ phụ khác của chồng. Có lẽ đó cũng là lý do mà dù có bất kỳ công việc gì chồng tôi cũng gọi em.

Là tôi đoán thế, nhưng khi ướm hỏi người bạn đồng hành cùng nhà thì lý do không hẳn vậy. Thôi có vợ và ba đứa con. Vợ làm tạp vụ ở một trường mầm non. Dịch giã kéo dài khiến vợ em thất nghiệp, một mình Thôi lo cơm áo gạo tiền cho năm miệng ăn quả không dễ dàng gì. Các con của Thôi cũng đang tuổi đi học, chúng cần nhiều hơn ngoài no bụng. Thôi cũng vừa ứng lương để mua cho con cái laptop để cháu học online. “Mấy tháng phải học ké bạn, bây giờ nhà bạn phải ưu tiên cho người quen nên mấy hôm rồi cháu chỉ học chay, chờ bạn học xong mượn vở chép”, Thôi nói về lý do ứng trước lương tháng này.

“Hàng tháng muốn thưởng thêm phải ít nhất đảm bảo trên 26 ngày công. Nếu tuần nghỉ 4 ngày chủ nhật thì nó (Thôi) không được thưởng. Mà một ngày thưởng bằng ba ngày làm việc bình thường. Cho nên mình phải kiếm cớ cho nó có thêm ngày làm việc”, chồng tôi giải thích về lý do chủ nhật nào Thôi cũng có mặt ở nhà tôi và đôi khi chỉ làm chưa được nửa buổi sáng là hết việc.

Tôi “hiến kế”, mình làm chủ, muốn thì ghi thêm cho người ta một ngày công cũng được vì đằng nào mình cũng trả tiền. Chồng tôi chỉ cười và bảo, việc đó có khó gì đâu nhưng nếu làm thế sẽ vô tình “tiếp tay” cho sự lười biếng và ỷ lại. Hơn nữa, mình sẽ làm giảm động lực phấn đấu của người ta. Mà với bất cứ công việc gì, nếu thiếu những điều đó sẽ không bao giờ đạt kết quả tốt. Dù là lao động chân tay hay trí óc thì đều cần sự siêng năng, chịu khó và nỗ lực phấn đấu không ngừng. Ở mỗi công việc đều có những yêu cầu riêng nhưng chung quy lại vẫn là tinh thần, thái độ và trách nhiệm từng phần việc hoặc nhiệm vụ mà mình được giao đảm nhận. Nếu không làm tốt được tất cả những việc ấy thì ít nhất là đừng vì mình mà ảnh hưởng đến người khác, đến tập thể...

Thôi không được trời phú cho sự thông minh, sắc sảo nhưng bù lại em rất cần cù, chịu khó, không ngại làm những việc chưa từng kinh qua. Đó có lẽ là lý do mà chồng tôi giao toàn việc mới, cũng là để em có thêm kinh nghiệm ngoài mục đích tăng thu nhập giúp em trang trải cuộc sống gia đình.

Cũng ít khi có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện nhưng mỗi lần tôi hỏi về công việc, về “sự khó tính của ông chủ”, Thôi chỉ cười và bảo: “Em học từ từ. Cái chi chưa làm được thì em hỏi, em làm lại. Làm đến lúc mô được thì thôi”. Tất nhiên, không phải việc nào sai cũng có thể làm lại. Có những cái sai phải trả giá bằng cả đời người, đôi khi là cả mạng sống, là danh dự, là niềm tin...

Song, ở khía cạnh của Thôi, tôi lại thấy nếu bằng sự kiên trì, nhẫn nại và tinh thần ham học hỏi thì có lẽ cơ hội sẽ không thiếu cho em. Tất nhiên nó còn phải đi kèm với thái độ cầu thị, nhún nhường và biết hy sinh một chút cho những mục tiêu lớn hơn.

Hồng Tâm