Nhân viên Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) phân tích dữ liệu về công tác phòng chống dịch COVID-19
Hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19
Cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết định hướng CĐS của tỉnh trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CĐS giai đoạn 2021 - 2025, từ đó các cấp, các ngành tiếp tục xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể.
Công tác xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) của tỉnh đến nay cơ bản đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, bước đầu tạo ra nền tảng khởi động quan trọng cho công cuộc CĐS của tỉnh.
Việc ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước đã cơ bản đi vào nền nếp và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong quá trình hoạt động của các sở, ngành và địa phương các cấp. Người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành được thói quen khai thác thông tin, kết nối và tương tác với các cơ quan nhà nước trên môi trường số thông qua các hệ thống thông tin, mạng xã hội do cơ quan nhà nước tạo lập và vận hành.
Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch COVID-19, dữ liệu số và công nghệ số đã trở thành một phương thức quan trọng, đóng góp tích cực và đem lại hiệu quả cho công tác phòng chống dịch bệnh ngay từ giai đoạn đầu bùng phát dịch.
Hue-S là ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng di động được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai từ năm đầu 2018 và đến nay đã trở thành một nền tảng phổ biến cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước sử dụng. Đến nay, đã có đến 838.752 tài khoản đăng ký sử dụng. Hue-S đã trở thành kênh thông tin thống nhất kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Đã có đến 55.448 phản ánh trên tất cả các lĩnh vực thuộc mọi mặt đời sống xã hội được người dân gửi lên Hue-S với tỷ lệ xử lý đạt 98% và mức độ hài lòng đạt 80%.
Cùng với ứng dụng Hue-S, Tổng đài đường dây nóng 19001075 đã được thiết lập vào đầu năm 2019 trở thành đầu mối thống nhất trên toàn tỉnh để tiếp nhận thông tin từ người dân, doanh nghiệp đến với cơ quan nhà nước trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt trong giai đoạn dịch đợt 4 tới nay, Tổng đài đã tiếp nhận và xử lý được 427.757 cuộc gọi, qua đó đã đóng góp vai trò quan trọng trong công tác chống dịch.
Từng bước hoàn thiện chiến lược CĐS
Trên cơ sở những kết quả ban đầu, những kinh nghiệm đã triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình góp ý một số nội dung làm cơ sở hoàn thiện báo cáo kế hoạch CĐS năm 2022 của UBQGVCĐS.
Thứ nhất, qua thực tiễn chứng minh dữ liệu số đóng vai trò quan trọng trong quá trình CĐS, đặc biệt là các dữ liệu dùng chung cấp quốc gia. Tuy nhiên, một số dữ liệu số dùng chung, làm nền tảng cho các ứng dụng số khai thác sử dụng đang còn thiếu và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả quá trình CĐS. Đề nghị UBQGVCĐS đưa vào hoàn thiện sớm để đảm bảo việc áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Thứ hai, đề nghị ngành Công an sớm xây dựng, hoàn thiện và công bố cơ chế phối hợp, liên thông dữ liệu để phục vụ triển khai các hệ thống được toàn diện. Vì đây là nội dung vô cùng quan trọng trong việc cung cấp, đảm bảo tính chính xác, hiệu quả để rút ngắn thời gian, hướng đến việc đảm bảo hiệu quả, an toàn trong việc cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ công ích và hướng đến dịch vụ đô thị thông minh.
Thứ ba, đề nghị UBQGVCĐS cần chuẩn hóa quan điểm liên thông phải sử dụng từ cơ sở dữ liệu gốc do ngành, lĩnh vực đó phụ trách, tránh tình trạng làm một loại hình dữ liệu tương tự để liên thông mà bỏ qua dữ liệu nguồn chính xác. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của ngành, lĩnh vực có dữ liệu nguồn phải hoàn thiện dữ liệu và chịu trách nhiệm với sự thiếu, sai về dữ liệu nguồn; liên thông dữ liệu thống nhất thông tin có tính xuyên suốt từ trung ương đến tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Thứ tư, cần sớm ban hành quy định, quy chuẩn triển khai báo cáo số, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trên dữ liệu số để vận hành các hệ thống này cũng như các mục tiêu kiểm tra đánh giá theo lộ trình CĐS quốc gia.
Thứ năm, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, công cụ để phổ cập người dân sử dụng và tiếp cận các dịch vụ xã hội số, kinh tế số là thiết bị điện thoại di động thông minh, đây là vấn đề rất lớn. Tuy nhiên, rủi ro khi hình thành phong trào và không phát huy hiệu quả là có thể xảy ra. Vì vậy, đề nghị UBQGVCĐS cần quan tâm ở mức cao hơn ngay từ đầu.
Thứ sáu, đề nghị UBQGVCĐS sớm ban hành danh mục các ngành nghề và hình thức kinh doanh cụ thể được tính vào tiêu chí kinh tế số, làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố định hướng và phát triển đảm bảo đúng hướng, trọng tâm, trọng điểm, hạn chế hiểu thiếu, hiểu sai.
Thái Bình (lược ghi)