Các đại biểu tham dự ở điểm cầu Huế
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, CĐS số là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước. Phiên họp đầu tiên là bước triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về CĐS, với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; kiện toàn bộ máy để tổ chức CĐS thông suốt từ trung ương đến cơ sở; đề ra kế hoạch đột phá, bước đi, phương pháp, nội dung để Ủy ban hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trước mắt là phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế vai trò, tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn để xây dựng kế hoạch, chiến lược CĐS. Lấy người dân làm chủ thể để CĐS, mọi kế hoạch CĐS phải hướng đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Dành nguồn lực cho CĐS, trong đó đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá rút kinh nghiệm ở các cấp. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp cùng đồng thuận với nhà nước trong CĐS.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam gần như đi cùng nhịp với những nước nhanh nhất trên thế giới trong việc ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược quốc gia. Nhờ vậy, kết quả chỉ số xếp hạng “Sự trỗi dậy số” của các quốc gia năm 2021 do Trung tâm cạnh tranh số châu Âu thực hiện, đánh giá cho 3 năm từ 2018 đến năm 2020 của 137 quốc gia, Việt Nam được xếp hạng nhất về tốc độ tiến bộ trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương.
Tại Thừa Thiên Huế, công tác xây dựng Chính quyền điện tử đến nay cơ bản đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu tạo ra nền tảng khởi động quan trọng cho công cuộc CĐS. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch, dữ liệu số và công nghệ số đã trở thành một phương thức quan trọng, đóng góp tích cực và đem lại hiệu quả cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngay từ giai đoạn đầu bùng phát dịch.
Tin, ảnh: Thái Bình