Ông Đinh Mạng Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế phát biểu tại diễn đàn

Sản phẩm phù hợp cho thị trường phù hợp

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, sự thay đổi đó mang tính lâu dài, đưa hoạt động của toàn xã hội sang một trạng thái mới với nhiều đặc điểm mới.

Trong tình hình mới, các hoạt động chủ yếu du lịch đang và sẽ tiếp tục thay đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo an toàn và ứng dụng công nghệ, nhất là việc đổi mới xúc tiến du lịch; công tác xây dựng sản phẩm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch… Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, hiệp hội cũng như các doanh nghiệp, người làm du lịch phải có sự điều chỉnh để thích ứng, hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel cho rằng, dịch bệnh  thay đổi nhu cầu đi du lịch; đặc biệt là khả năng phục hồi của các thị trường. Hiện, khả năng phục hồi thị trường du lịch ở miền Bắc sẽ nhanh hơn so với ở miền Nam; trong đó, hai thị trường lớn nhất là Hà Nội sẽ có sự phục hồi sớm hơn so với TP. Hồ Chí Minh. Về thị trường quốc tế, bên cạnh khu vực Đông Nam Á, ở Đông Á, Hàn Quốc và Nhật Bản được kỳ vọng phục hồi sớm nhất…

Đồng tình về lộ trình phục hồi của thị trường du lịch trên, các chuyên gia cho rằng phải xây dựng được những sản phẩm phù hợp, đáp ứng với các thị trường khách. Đó sẽ là du lịch sức khỏe, thiên nhiên, môi trường, khách đi theo nhóm nhỏ, bắt đầu từ các sản phẩm nghỉ dưỡng, tuyến đi gần, với hành trình khép kín… Dù thế, mỗi doanh nghiệp, địa phương cần căn cứ vào đặc thù, thị trường mục tiêu để tìm ra con đường phù hợp trong từng giai đoạn. 

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, các đơn vị cần tập trung xây dựng các sản phẩm bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn. Lúc này, sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố bền vững, trong đó có một số loại hình sẽ lên ngôi như: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch miền núi… Ngoài ra, du khách sẽ có xu hướng trải nghiệm du lịch “không chạm”, hạn chế tiếp xúc.

Đoàn khách đến dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 (18 - 20/11) tại Huế trải nghiệm mặc áo dài ngũ thân và tham quan bối cảnh phim

Doanh nghiệp cần thêm trợ lực

Mặc dù rất hy vọng khôi phục và đang từng bước thận trọng thực hiện các hoạt động du lịch, nhưng phải nhìn nhận trên thực tế đang đứng trước rất nhiều thách thức và khó khăn. Thứ nhất là nguy cơ không có khách du lịch, bởi tâm lý khách vẫn còn e ngại đi du lịch trong thời điểm này. Thứ hai là thiếu hụt lực lượng lao động. Thứ ba là việc thiếu vốn đầu tư, sửa chữa, sau hai năm xuống cấp, đóng cửa…

Bên cạnh nhiều giải pháp căn cơ, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, nhiều chính sách ra đời để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, nhưng khả năng tiếp cận không nhiều. Do đó, doanh nghiệp đang rất mong muốn có thêm những chính sách, giải pháp để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động khôi phục ngành du lịch. 

Các doanh nghiệp du lịch nêu ví dụ trong Quyết định 23, ngày 7/7/2021 và Quyết định 33, ngày 6/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, song các doanh nghiệp du lịch khó áp dụng, vì thời điểm nộp BHXH bắt buộc được tính trong thời gian năm 2021. Đây là thời điểm mà còn rất ít doanh nghiệp còn duy trì được hoạt động. Phần lớn, các doanh nghiệp du lịch phải giảm lao động, dừng đóng BHXH cho người lao động từ giữa năm 2020 trở về trước; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, các doanh nghiệp không có căn cứ để thực hiện. Vì các doanh nghiệp hầu như không phải là “tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19” mà thuộc diện không có khách để phục vụ nên phải tự dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ mong muốn, trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện. Toàn ngành du lịch cần đề nghị Quốc hội giảm từ 10% xuống 5% đối với mức thuế VAT cho người tiêu dùng đến năm 2023. Điều này đã được áp dụng vào thời điểm 2008 và 2009 đã giúp doanh nghiệp phục hồi rất hiệu quả.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế đề xuất cần tiếp tục điều chỉnh giá điện áp dụng ngang bằng với giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đến hết năm 2022, nếu được đến hết 2023; điều chỉnh thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ tối thiểu là 24 tháng hoặc đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát và hoạt động du lịch được triển khai bình thường, bổ sung gói tín dụng cho doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh du lịch vay một số khoản vay với lãi suất ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động, vay để sửa chữa, duy tu cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch…

Về sự sẵn sàng của du lịch Huế, ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, bên cạnh các giải pháp về an toàn, xây dựng sản phẩm phù hợp, công tác truyền thông du lịch trên các nền tảng số được đẩy mạnh. Nhờ việc đẩy mạnh chuyển đổi số mà hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế trên các nền tảng số ngày càng sống động, hấp dẫn và đến gần hơn với du khách. Chuẩn hóa nội dung số giới thiệu về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của địa phương; mở rộng ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh tại các điểm du lịch khác. Sự sẵn sàng, hợp tác của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đây là các đối tác chính và quan trọng trong hệ thống chuyển đổi số cùng đồng hành với cơ quan Nhà nước.

Bài, ảnh: Đức Quang