Yêu cầu phải nói thẳng, nói thật (NTNT) không phải bây giờ mới xuất hiện trên các diễn đàn hội nghị sơ, tổng kết, hội thảo khoa học hay trong các lần huấn thị của cấp trên cho cấp dưới. Nó đã được nhắc đến khá nhiều lần như hồi chuông cảnh báo ngay trong quá trình triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng sau mỗi lần đại hội, hoặc sau hàng loạt vụ bê bối về công tác tài chính, công tác nhân sự bị phát hiện có sai sót, tiêu cực...

Đây cũng là một trong những động thái nhằm chấn chỉnh việc làm gian dối lại báo cáo không trung thực hòng bảo vệ thành tích “ảo” đã và đang gây bức xúc cho dư luận xã hội. Vấn đề NTNT đã trở thành một đề tài nhạy cảm khá phổ biến trong sinh hoạt của cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở, khi tập trung nghiên cứu học tập và bàn thảo xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận… của cấp trên. Đây cũng là một yêu cầu vừa có tính bắt buộc, vừa có tính động viên để làm sáng tỏ những lĩnh vực hết sức nhạy bén về chính trị, kinh tế - xã hội…

Còn nhớ, ngày 26/7/2019 tại Hà Nội, đã diễn ra Phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Vấn đề NTNT đã được người đứng đầu Đảng ta thẳng thắn đặt ra với các thành viên Ban Chỉ đạo rằng, nếu quá trình giám sát các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, phát hiện người nào đó vi phạm thì xử lý theo tinh thần “có dính dáng gì, thôi đừng cấu tạo vào cấp ủy nữa”. Rõ ràng, đây là chỉ đạo rất sát, rất kịp thời của Tổng Bí thư Đảng ta trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Trong khi đó, bên cạnh sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra cùng cấp, thì vai trò giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng luôn được đề cao, đặc biệt là giám sát chuyên đề. Từ cuối năm 2015 đến nay, giám sát chuyên đề về bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của Mặt trận. Qua thực tiễn đã chứng minh rằng, chỉ có sự chân tình, cởi mở, trung thực đối xử với nhau thì vấn đề NTNT mới được đặt ra đúng nghĩa của nó, chấp nhận bước đầu mất lòng trước, để được lòng sau.

Trong hội nghị trực tuyến toàn quốc vào sáng ngày 4/11/2021 triển khai thực hiện Chương trình Giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thẳng thắn nêu vấn đề NTNT trong quá trình các đoàn của Quốc hội đi làm nhiệm vụ giám sát, yêu cầu từng thành viên các Đoàn phải thống nhất từ nhận thức đến hành động, phát huy tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh, dám NTNT thì mới có thể tổ chức giám sát đạt kết quả như mong muốn, cần thiết thì tổ chức giám sát các đoàn giám sát.

Quả thật, nếu không có đầy đủ bản lĩnh chính trị, cốt cách hành xử trong sáng của một cán bộ liêm chính, thì khi phát hiện vi phạm hay sai sót của đối tượng được giám sát thì người giám sát khó mà “mở miệng” nói ra đúng bản chất quy mô, mức độ vi phạm của người khác, nếu nằm trong thế “chẳng đặng đừng” thì cũng chỉ nói cho qua chuyện, hòng lấy lòng đối tượng có sai phạm vì mục đích không trong sáng. Đó là lý do mà trước đây nhiều Đoàn giám sát, kiểm tra xong đã để lại dư âm xấu, vì sau đó tình trạng vi phạm khuyết điểm của nơi vừa được giám sát vẫn tái diễn, có khi lại tái phạm nghiêm trọng hơn. Do đó, đặt vấn đề NTNT là điều nên làm khi tiến hành giám sát thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, đơn vị, hơn nữa đây là điều cần làm và làm thường xuyên với chất lượng tốt nhất, để mang lại hiệu quả như mong muốn. Có như thế mới góp phần làm trong sạch tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

MAI MỘNG TƯỞNG