Tại Hội nghị lão khoa quốc gia vừa diễn ra tại Hà Nội, một con số thống kê cho biết, người cao tuổi của Việt Nam được xếp vào mức thọ, nhưng không… khỏe lắm. Có 12 triệu người từ 65 tuổi trở lên, tức là chiếm khoảng 12% dân số. Chỉ có 4% sống khỏe mạnh trên 65 tuổi, còn lại 96% có 3 bệnh mãn tính trở lên.

Những thông tin từ hội thảo này không đưa ra con số so sánh với tình trạng người già ở các nước, kể cả những nước tương đồng với hoàn cảnh như chúng ta để thấy mức độ bệnh tật người già ở Việt Nam là như thế nào so với thế giới.

Đối với sức khỏe của người già, chuyện chăm sóc như thế nào chỉ là một vế, một vế khác là làm thế nào để người già sống khỏe mạnh, ít bệnh tật mới là điều quan trọng.

Nếu tình hình sức khỏe của người cao tuổi không được cải thiện trong thời gian đến, thì vài năm tới, ví dụ như những người nghỉ hưu (ở tuổi 62 đối với nam và 60 đối với nữ) thì sau khi nghỉ hưu họ chỉ sống khỏe mạnh từ 3 -5 năm, sau đấy là cả một thời gian dài đối phó với bệnh tật. Như vậy, câu chuyện “sống vui sống khỏe” có vẻ như là một sự động viên hơn là thực chất.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, có 4 yếu tố cơ bản tác động đến sức khỏe của con người nói chung và người lớn tuổi nói riêng – thể trạng (tức là mỗi người có mỗi thể trạng khác nhau), môi trường, chế độ luyện tập, dinh dưỡng. Có thể thấy yếu tố đầu tiên thuộc về bẩm sinh (mỗi người mỗi khác), mang tính chất tự nhiên. Còn lại 3 yếu tố quan trọng sau mang tính chất xã hội nhiều hơn. Chúng ta có thể tác động vào 3 yếu tố mang tính xã hội để làm thay đổi yếu tố tự nhiên.

Ví như chế độ ăn uống. Ăn uống phải đầy đủ chất dinh dưỡng. Ăn uống có khoa học, tức là cân bằng giữa các yếu tố tốt cho sức khỏe. Luyện tập thể dục thể thao cũng vậy. Sự “già hóa” của con người là không thể cưỡng lại được, cho nên con người chỉ có tác động vào để quá trình này chậm lại, tức là “sự khỏe mạnh” kéo dài thêm ra.

Như vậy, chúng ta thấy, muốn ít bệnh tật hơn khi về già thì phải chuẩn bị từ lúc trẻ chứ không phải để đợi đến khi già mới tác động.

Ở Việt Nam, 3 yếu tố mang tính xã hội như nói trên có vẻ như không được tốt bằng nhiều nước khác, đặc biệt là những nước tiên tiến. Các yếu tố bất lợi tác động hàng ngày đến sức khỏe của con người quá nhiều. Như chuyện ăn uống, có thể nói an toàn thực phẩm ở Việt Nam là một trong những nơi kiểm soát không tốt. Thực phẩm không được kiểm soát tốt từ khâu sản xuất, đến khâu chế biến và tiêu thụ. Ví dụ như cọng rau, từ vườn ra đến chợ rồi đến bàn ăn. Người tiêu dùng không thể biết người sản xuất như thế nào, theo quy trình ra sao, có độc hại hay không. Rồi những chất không có lợi cho sức khỏe bị lạm dụng nhiều, như chất kích thích từ bia rượu, thuốc lá. Còn môi trường, nhìn chung là ngày càng ô nhiễm, đặc biệt là các đô thị lớn, mật độ dân cư cao.

Như vậy, chúng ta thấy, chất lượng sống của người cao tuổi ở Việt Nam (theo khảo sát như nêu trên) nói chung là thấp. Tuổi thọ cao nhưng không khỏe.

Như vậy, để sống vừa thọ, vừa khỏe thì phải cải thiện tất cả các yếu tố mang tính xã hội nói trên. Ngoài việc tùy mỗi từng người lựa chọn để ứng xử thì Chính phủ cũng cần có những chính sách để điều chỉnh, như chính sách thuế. Những mặt hàng tiêu dùng có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thì phải áp thuế thật mạnh để hạn chế.

Ở nhiều nước, những mặt hàng không khuyến khích tiêu dung họ áp thuế rất mạnh để hạn chế, như rượu bia và thuốc lá. Trong khi đó, những mặt hàng này, có thể nói ít nơi nào có giá rẻ như ở Việt Nam.

Nguyễn An Bình