Vợ của các ngư dân lựa cá cho những người già trong làng

Cứ cuối tuần là vợ chồng tôi lại sắp xếp cho con trai về quê thăm ông bà nội, vừa để cháu gần ông bà, vừa để tuổi thơ con gắn với những trò chơi dân dã, những tình cảm của xóm làng, cô dì, chú bác… mà nơi phố thị không dễ gì có được. Những lần về quê đó không thể thiếu những trải nghiệm cùng ra biển “hóng” ông nội đi biển về cùng bà nội của cậu con trai nhỏ.

Mùa này, ngư dân đi biển thường được mùa cá khoai, nhưng cũng là mùa “gió chướng” nên để thu hoạch được những sản vật biển tươi ngon là biết bao vất vả, khó nhọc khi các ngư dân phải quăng quật với những con sóng dữ hàng giờ liền trên biển. Cũng vì là mùa “gió chướng”, sóng lớn nên khi ghe cập bến, các ngư dân phải quay ghe lên thật cao trên bãi. Thường, mỗi lần ghe xuất bến có hai bạn thuyền cùng đi với nhau, nhưng khi để quay ghe lên, xuống bãi thì sức của hai người đàn ông khỏe mạnh là không đủ.

Cũng chính vì vậy, mỗi lần ghe xuất bến, hay cập bến những ngư dân không ngại giúp nhau quay thuyền. Mặc dù vừa mới dọn dẹp ngư lưới cụ, quay ghe lên bờ cũng mệt nhoài sau một thời gian dài ra khơi, nhưng khi thấy chiếc ghe của hàng xóm vừa cập bến anh Nguyễn Sơn (Mỹ Khánh, Phú Diên, Phú Vang) nhanh chân tới giúp một tay để kéo lên bờ. “Ở đây là vậy, cứ ghe vào là chúng tôi giúp nhau quay ghe. Người vào trước giúp người vào sau, thậm chí mấy người không đi biển, rảnh là ra bến đợi giúp các ngư dân quay xuồng”, anh Sơn chia sẻ.

Mỗi lần ra bờ biển đợi thuyền vào, lại thấy không khí nơi làng chài ven biển luôn nhộn nhịp, hồ hởi như chính tính cách của những người ngư phủ vậy. Có một điều mà bất cứ ai cũng bắt gặp tại những phiên chợ tạm họp trên bờ biển đó là ngoài những mớ cá tươi xanh bán cho thương lái, thì các chủ thuyền hay để lại một phần cá để dành cho những người già neo đơn trong xóm, làng.

Chọn những con cá tươi, ngon để vào bì cho ông T.H (70 tuổi, Mỹ Khánh, Phú Diên, Phú Vang), sống một mình trong xóm chị Thắm bảo: Mấy ông, bà già cả ăn hết mấy sản mô. Ngày nào xuồng ra khơi tôi cũng để dành cá cho họ một ít cá tươi. Đó như “lệ” của làng này rồi.

Xách bì cá tươi ngon từ những người hàng xóm để dành ông H. vui mừng: Tôi già rồi, sống một mình, không làm được việc nặng nữa, khỏe mạnh thì đi bán vé số còn không thì phụ thuộc vào mấy trăm ngàn trợ cấp nên chẳng thể nào đủ. Chính những mớ cá tươi của xóm giềng mỗi ngày đã đỡ đần tôi phần nào chi phí sinh hoạt.

Còn bà T. (Phú Diên, Phú Vang, 73 tuổi) cũng vui vẻ: Tôi hai vợ chồng già, ăn uống cũng không mấy, nhưng trời tạnh, mọi người trong xóm ra khơi là ai nấy đều dặn tôi ra bến chờ lấy cá tươi. Nhiều khi thấy mấy cô, chú “dúi” cho con cá ngon còn dặn về bồi bổ cho ông nhà. Dân quê tôi là vậy đó, không phải giàu có gì nhưng ai cũng thơm thảo, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần.

Đi một vòng quanh bến, tôi thấy bất cứ chủ thuyền nào cũng không quên để lại một phần cá ngon để phần cho những người già, hay những người hàng xóm mà hôm đó không đi biển. Đối với những người dân biển, thì mớ cá đó có thể có giá trị không lớn, cũng chỉ 20-30 ngàn mà có khi là không tới, nhưng đó chính là nghĩa tình của xóm làng, của sự thảo thơm mà những người dân làng biển dành cho nhau.

Bài, ảnh: Thảo Vy