Sau 10 năm thực hiện 2 đề án trên đã mang lại những thành tựu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo chính sách an sinh xã hội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Các hình thức tổ chức dạy nghề đã được đa dạng hóa, phù hợp với nhu cầu của người học, nghề học, đặc điểm vùng miền và sự tham gia của các loại hình cơ sở đào tạo theo hướng xã hội hóa, số lượng người dân tham gia học nghề ngày càng tăng.
Ngày càng có nhiều ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo tăng cao
Trong giai đoạn 2011-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 155.355 người. Trong đó, có 20.333 sinh viên cao đẳng, 18.459 học sinh trung cấp và 116.563 học viên sơ cấp và dưới 3 tháng. Trong số này, có 34.171 lao động nông thôn tham gia học nghề.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay đạt tỷ lệ khoảng 80% đối với trình độ cao đẳng, trung cấp; khoảng 85-90% đối với trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo dưới 3 tháng.
Trong số 34.171 lao động nông thôn được đào tạo nghề, có 32.091 người đã học xong và có 29.208 người có việc làm sau học nghề (nghề nông nghiệp 7.527 người, nghề phi nông nghiệp 21.681 người).
Công tác đào tạo nghề đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học nghề của người lao động và góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, đáp ứng yêu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, từng bước chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh, trong giai đoạn tiếp theo, các ban ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh đào tạo nghề trên cơ sở nhu cầu của người học, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và thị trường lao động trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng cường tư vấn, chọn nghề học phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương nhằm giải quyết việc làm sau đào tạo.
Tin, ảnh: Hoài Thương