Sự việc xảy ra cách đây hơn một tháng. Nếu không có đoạn clip quay được và tung lên mạng thì chẳng ai biết, và nạn nhân vẫn âm thầm chịu đựng về thể xác, tinh thần. Nhiều người đặt câu hỏi, còn bao nhiêu vụ việc tương tự khác, khi mà hầu hết các nạn nhân bị bạo lực học đường đều phải im lặng, không dám kể với cha mẹ, người thân, thầy cô hay ngành chức năng?

Có thể khẳng định, sự im lặng đáng sợ đó vẫn cứ tồn tại dai dẳng, bởi cái ác đang thắng thế. Nạn nhân phải âm thầm chịu đựng, vì sự hăm dọa trả thù, sẽ bị trừng trị nặng hơn. Chúng ta vẫn chưa hết bàng hoàng những vụ bảo mẫu bạo hành trẻ ở một số trường mầm non trong thời gian qua, thông qua những clip được quay lén. Thương tâm thay, tuy ở trường các cháu bị bạo ngược thế nhưng về nhà vẫn vui cười với ba mẹ, như không hề có chuyện (!) Điều gì làm cho các cháu phải câm miệng? Phải chăng đây là mầm móng hình thành nên “nhân cách” đầy tự ty mặc cảm cho các cháu sau này?
Nạn “đầu gấu” trong trường học không chỉ diễn ra ở các cấp học cao mà đã có ngay từ lớp mầm non. Con gái tôi 4 tuổi đi học cứ mất đồ hoài, có khi bị chợt vẹt trên người. Cháu vẫn biết bạn gây ra nhưng không dám nói. Cháu bảo, bạn đó là “đại ca” của lớp con đó (!) Tôi bảo, để ba lên nói với cô thì cháu vội khóc, không cho nói... Trong một số trường hợp, giáo viên cũng sợ ảnh hưởng đến “thành tích” dạy học của mình, đã che giấu những vi phạm của học trò.
Giáo dục là môi trường tốt nhất để xây dựng đạo đức, lý tưởng sống cho học sinh. Vậy sao lại có những chuyện đau lòng thế? Nên chăng cần phải xem lại phương pháp giáo dục, kỷ luật của nhà trường hiện nay. Nhiều vụ bạo hành học đường nghiêm trọng nhưng mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi học một năm, hoặc chỉ hạ hạnh kiểm. Như thế sao đủ răng đe? Có ý kiến còn cho rằng, buộc thôi học một năm vẫn còn nặng, sợ rồi đối tượng đó không còn theo học nữa, lại phạm tội khác nặng hơn!
Theo chúng tôi, không nên phân vân nhiều đối với những học sinh cá biệt. Bởi ngoài nhà trường, xã hội còn có pháp luật, có cả hệ thống trường giáo dưỡng của Bộ Công an. Cho nên, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong nhà trường hiện nay là cần thiết, nhằm đẩy lùi nạn bạo hành học đường, đảm bảo công bằng cho mọi học sinh và phụ huynh; để xây dựng một thế hệ tương lai có tình thương, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và đất nước!
Đặng Thành