Cách đây 4 tháng, người mua đất mua xong tách thửa khoảnh đất thành 3 lô. Giá đất bố mẹ đứa em bán là 7 triệu đồng/m2. Sau khi tách thửa xong vài ngày, người mua bán ngay 1 thửa giá 8 triệu đồng/m2. Và giờ còn 2 lô được rao bán 10 triệu đồng/m2.
Có thể thấy những biển rao bán đất nhiều nơi trên địa bàn TP. Huế. Ảnh: Th. Anh
Chỉ có thể nói, giá đất ở Huế đang “nhảy múa”. Khảo sát quanh thị trường nơi đâu giá đất cũng tăng phi mã. Dù có là người mua vì mục đích gì - kinh doanh bất động sản, mua để làm nhà ở, hay là những người chọn đây là một kênh đầu tư dài hạn, kênh tiết kiệm với hy vọng rằng giá đất sẽ tăng hơn lãi suất ngân hàng… thì nhu cầu giao dịch bất động sản vẫn có thật. Theo qui luật kinh tế, mặt hàng nào nhu cầu cao, nguồn cung khan hiếm thì giá cả leo thang là điều không khó hiểu. Điều khó cắt nghĩa được là tại sao nhu cầu tăng đột biến? Chúng ta thử lý giải vấn đề này.
Lý do quan trọng nhất, có lẽ là tâm lý thị trường đang “hưng phấn”. Không mua thì thôi, chứ mua là "thắng". Theo tìm hiểu của người viết, từ cuối năm 2017, tức là đã gần 4 năm, giá đất chưa bao giờ ngừng tăng mà tăng rất cao. Tình hình giao dịch diễn ra hết sức thuận lợi. Hễ có người bán là có người mua, tức là thanh khoản diễn ra rất tốt. Nhờ mức tăng giá này mà người kinh doanh bất động sản thu được lãi lớn. Có người ví thị trường đang nóng cũng chẳng sai! Có lẽ thông tin nhiều người thu lãi lớn từ bất động sản cứ loang ra, tạo nên sức hấp dẫn cho nhiều người khác. Số lượng người tham gia vào thị trường này ngày càng đông đẩy nhu cầu lên mạnh, làm cho thị trường “hưng phấn”.
Những thông tin về TP. Huế mở rộng (đã thực hiện việc mở rộng), xây dựng các đô thị vệ tinh mở rộng hơn như T.X Hương Thủy, T.X Hương Trà; phấn đấu đẩy nhanh xây dựng đô thị Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương… đều là những thông tin “nhạy cảm” với thị trường nhà đất. Đất ở thành phố rõ ràng có sức hấp dẫn hơn đất ở nông thôn; đất của đô thị loại I trực thuộc Trung ương rõ ràng có sức hấp dẫn hơn nhiều so với khi chưa có danh hiệu này. Có phải những điều này góp một phần tạo nên sự "hưng phấn" của thị trường?
Còn một tác động nữa đó là quy hoạch, tốc độ đô thị hóa và sự đầu tư của các doanh nghiệp. Chẳng hạn như Khu công nghiệp Phú Bài được mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào đây đã thúc đẩy các loại hình dịch vụ ở đây phát triển. Khu công nghiệp Chân Mây – Lăng Cô; Cụm công nghiệp Phú Đa… cũng vậy. Khi kinh tế phát triển thì thường kéo theo giá đất đi lên.
Nếu có vấn đề cần chú ý đó là, bất động sản có giá trị lớn nên thường hút một lượng vốn rất lớn vào đây. Thực tế diễn ra từ trước đến nay cho thấy, bất động sản thường “nóng” theo chu kỳ. Chu kỳ này diễn ra dài hay ngắn tùy lúc khác nhau nhưng về mặt nguyên lý, nó có lên thì đến một lúc nào đó đạt điểm cân bằng, giá đứng yên trong một thời gian và bắt đầu đi xuống. Cái khó là chúng ta không biết điểm đi xuống của nó diễn ra vào lúc nào.
Nếu nguồn tiền đầu tư bất động sản là tiền cá nhân thì lời lỗ là cá nhân chịu. Nhưng nguy hại nhất nếu nguồn tiền này là tiền vay chiếm tỉ lệ lớn. Trong lịch sử phát triển của thị trường bất động sản trong nước cũng như thế giới đã chứng kiến hiện tượng bong bóng và nó để lại nhiều hậu quả cho nền kinh tế. Đối với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, gần đây cũng đã có những lời cảnh báo được gióng lên những rủi ro có thể gặp phải đối với loại hình trái phiếu này, đặc biệt là các công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán bởi tỷ lệ huy động vốn là quá cao. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Trung ương cũng đã có những chỉ đạo về việc kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp.
An Bình